Chuyện về những ngôi nhà giàn trên thềm lục địa

Bài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn

NDO -

NDĐT – Mỗi năm, 15 nhà giàn DK1 ở các bãi cạn Tư Chính, Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường… cùng nhau tổng kết để bình chọn một chỉ huy trưởng xuất sắc nhất. Họ chính là người đầu tiên chịu mọi sóng gió, vất vả để nêu gương, dẫn dắt tập thể cán bộ, chiến sĩ trong những ngôi nhà giàn cùng đoàn kết, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã gặp được ba người ở các thế hệ khác nhau từng nhận được sự tôn vinh ấy.

Thời gian nghỉ ngơi, các chiến sĩ nhà giàn cập nhật thông tin qua sách, báo. (Ảnh: QUANG HUY)
Thời gian nghỉ ngơi, các chiến sĩ nhà giàn cập nhật thông tin qua sách, báo. (Ảnh: QUANG HUY)

Bộ sưu tập radio của trạm trưởng nhà giàn lâu năm

Chúng tôi tìm đến nhà Trung tá Nguyễn Xuân Hà khi anh đang nghỉ phép và trở về đất liền được 20 ngày. Trong suốt câu chuyện của mình, anh Hà, người gắn bó với nhà giàn ở cương vị chỉ huy trưởng lâu năm, đã nhiều lần nhắc đến bố mình, cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị năm xưa. Hành trang bố mang về nhà sau 15 năm chinh chiến (từ 1961 đến 1976) là chiếc bàn ủi Liên Xô, chiếc áo quân phục bộ đội và một chiếc đài radio.

Nối nghiệp bố, anh đã theo học ngành lục quân rồi vào công tác tại Bộ tư lệnh Vùng 2, Quân chủng Hải quân vào năm 1994. Một năm sau, anh ra biển làm chỉ huy trưởng nhà giàn ngay khi vừa mới ra trường. Anh Hà xin bố cho mang theo chiếc đài mà anh vốn yêu thích từ bé. Chiếc đài theo chân anh mọi nơi mọi lúc. Ngay cả khi lên gác thượng trồng rau hay tập thể dục quanh căn phòng mười mấy mét vuông, anh cũng mang theo để nghe tin tức. Giọng nói từ đất liền dường như làm anh cảm thấy gần gũi, ấm áp hơn trong những năm tháng sống ở nhà giàn. Và giờ đây, sau khi đã trải qua nhiều năm ở sáu nhà giàn khác nhau, anh đã mang về nhà bộ sưu tập năm chiếc đài radio hỏng làm kỷ vật.

Bài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn ảnh 1

Chúng tôi may mắn gặp anh Hà tại nhà riêng khi anh vừa nghỉ phép để về quê sang cát cho bố. (Ảnh: HỒNG VÂN)

Anh còn nhớ lần đầu tiên ra nhà giàn Phúc Tần B DK1/16 vào năm 1995. Từ người lính trẻ chưa hề biết đến sóng biển, nhìn thấy nhà giàn chỉ qua những tấm ảnh chụp, anh phải trải qua hai ngày vượt sóng gió để ra với nhà giàn. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, thử thách lớn nhất của anh là phải đảm đương nhiệm vụ chỉ huy trưởng nhà giàn ngay những ngày đầu tiên đó.

“Mới ra trường, từ đất liền tôi đã phải tìm hiểu kinh nghiệm của người đi trước. Tôi phải hiểu tính cách, sở thích, năng khiếu của từng thành viên sống trong nhà giàn để giao việc cho từng người. Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn phải phân công nhau người thì trồng rau, người thì câu cá, nấu ăn… Bởi vì mỗi nhà giàn như một gia đình lớn vậy”, người chỉ huy nhà giàn lâu năm tâm sự.

Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2007, anh Hà đã được bình chọn là chỉ huy trưởng xuất sắc toàn Quân chủng Hải quân khi đang làm chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần C DK1/17. Để có được kết quả đó là do anh đã duy trì hoạt động tốt, động viên anh em cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhưng nơi anh gắn bó lâu nhất không phải là các nhà giàn ở cụm Phúc Tần mà là nhà giàn Huyền Trân DK1/7 với 12 năm làm chỉ huy trưởng (từ 1997 đến 2009). Gắn bó cùng anh suốt 12 năm đó ở Huyền Trân là hai người bạn Trung tá Nghiêm Xuân Thái, lúc đó là chính trị viên và Trung tá Nguyễn Văn Đồng, Phó chỉ huy trưởng.

Đến năm 2009, anh Hà chuyển sang làm chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần DK1/18, và anh Nguyễn Văn Đồng thay anh lên làm chỉ huy trưởng nhà giàn Huyền Trân. Cũng năm đó, Trung tá Nguyễn Xuân Hà đón nhận hung tin bố anh bị bệnh tim ra đi đột ngột. Với anh, bố như thần tượng, nhưng quả thật quãng thời gian để anh được sống cùng ông không nhiều. Lúc anh còn bé, bố đi công tác suốt, mỗi chuyến về lâu nhất cũng chỉ được 20 ngày. Khi bố nghỉ hưu, đến lượt anh lại ra đi biền biệt, không chăm sóc được bố ngày nào.

Bài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn ảnh 2

Bộ sưu tập ba chiếc radio của anh Hà. (Ảnh: HỒNG VÂN)

Mân mê trên tay chiếc radio cũ kỹ nhất là kỷ vật bố để lại, anh Hà nhớ lại chuyện 10 năm trước, ngày đón nhận tin dữ giữa biển khơi nghìn trùng, anh hụt hẫng, mất mát đến nhường nào. Không có tàu để về ngay, mà có tàu đi nữa thì cũng phải mất đến hai ngày mới vào được đến bờ, rồi mất một ngày bay ra Hà Nội thì anh mới có thể về đến Thái Bình bằng đường bộ, nên sẽ không thể kịp để chịu tang bố. Hành trang mang ra nhà giàn của anh cũng không có tấm hình nào của bố. Nhưng may mắn là anh đã giữ lại tờ giấy photo chứng minh thư của ông để lấy ngày tháng năm sinh khi làm thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân. Đặt trang trọng tờ giấy photo ấy lên bàn, anh và đồng đội đã thắp hương thờ bố suốt ba ngày. Đợt đó, phải một tháng sau, khi có tàu ra công tác, anh mới được trở về đất liền để thắp hương cho bố.

Đợt nghỉ phép này, Trung tá Nguyễn Xuân Hà đã trở về quê Thái Bình sang cát cho bố, làm tròn đạo hiếu của người con trai cả sau 10 năm ông mất. Tới đây, anh lại tiếp tục lên tàu ra nhà giàn, viết tiếp cuốn sổ cuộc đời mình thêm những năm tháng làm chỉ huy trưởng nhà giàn.

Những người hai lần được vinh danh chỉ huy trưởng xuất sắc

Việc được một lần trong đời cả tập thể các cụm nhà giàn bầu chọn là chỉ huy trưởng xuất sắc đã là vinh dự quá lớn cho những người làm chỉ huy nhà giàn. Vậy mà có những người chỉ huy đã hai lần được vinh danh.

Trước khi về đất liền làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn DK1, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng cũng từng có bảy năm gắn bó với tám nhà giàn. Lần đầu tiên đi nhà giàn, anh Tưởng cảm thấy quá bỡ ngỡ, lạ lẫm. “Dù đã được huấn luyện ở đơn vị, nhưng lúc ra nhà giàn tôi như người học việc từ đầu, từ mọi việc ăn ở, sinh hoạt, đến huấn luyện hằng ngày. Nhưng sau bảy năm, mọi công việc quá quen, chỉ cần nói thôi tôi đã có thể mường tượng ra từng vị trí, bao nhiêu bậc cầu thang, di chuyển trong nhà giàn mà không cần ánh sáng”, anh Tưởng chia sẻ.

Bài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn ảnh 3

Thiếu tá Vũ Văn Tưởng. (Ảnh: HỒNG VÂN)

Ở nhà giàn, các thành viên sống gắn bó với nhau. Không chỉ trong công việc, nhiều khi trong cuộc sống, hằng ngày người chỉ huy cũng phải nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh gia đình của từng người, lắng nghe tâm sự giãi bày của họ. Không chỉ thế, chính anh em cũng động viên, chia sẻ với những khó khăn của người chỉ huy.

Anh Tưởng và đồng đội cũng phải căng mình chống chọi với những cơn bão. Có đêm phải mặc áo phao canh gác cho nhau ngủ. Tất cả cùng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là đổ nhà và phải luyện tập phương án sẵn sàng rời nhà.

Trong bảy năm ở nhà giàn, có hai năm liền 2016 ở nhà giàn DK1/20 và năm 2017 ở nhà giàn DK1/14, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng được đồng đội tín nhiệm bình chọn là Chỉ huy trưởng nhà giàn tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng.

Kỷ niệm khiến anh Tưởng không thể quên trong những năm tháng gắn bó với nhà giàn là vào năm 2013, con gái một tuổi anh bị sốt cao, co giật, sùi bọt mép khi anh đang công tác ở nhà giàn. Tối hôm đó, vợ anh một mình bế con từ phòng khám tư, đến Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ xét nghiệm và kết luận con bị viêm màng não mủ.

Chuyến đó anh mới đi hai tháng, giữa hai chuyến tàu nên không thể về bờ ngay được. Đêm đêm, nằm trên nhà giàn, anh chỉ biết cầu nguyện cho con được bình an. Anh cảm thấy như giữa mình và con gái có sợi dây kết nối vô hình, và anh truyền sức mạnh cho con chống chọi với bệnh tật. Sau thời gian điều trị một tháng, trải qua bốn phác đồ điều trị, cháu qua khỏi cơn nguy kịch. Lúc anh quay về bờ, cháu đã khỏi ốm và được đưa về nhà, nhìn con gầy mà thương. Giờ đây, di chứng để lại một cái u sau gáy, đang chờ ngày lớn lên để mổ.

Thiếu tá Vũ Văn Tưởng về bờ từ tháng 9-2018. Giờ đây, ở cương vị mới, anh thường đi kiểm tra, chúc tết anh em và thăm lại nơi mình đã từng công tác để động viên đồng đội vững tay súng.

Chỉ còn dăm ba hôm nữa, năm 2019 kết thúc. Những người được lính nhà giàn tín nhiệm bình chọn Chỉ huy trưởng xuất sắc năm nay là Đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh. Cũng như Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, đây là lần thứ hai anh Quỳnh được bầu chọn danh hiệu này sau khi công tác ở nhà giàn 10 năm và qua bảy nhà giàn. Trước đó, anh từng công tác một năm ở đảo Trường Sa Lớn.

“Với tôi, được chọn làm người Chỉ huy trưởng xuất sắc của Quân chủng là sự động viên khích lệ tinh thần rất lớn từ tập thể đơn vị, giúp tôi có một động lực lớn để tiếp tục cống hiến để bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền biển đảo”, anh Quỳnh tâm sự.

Bài 2: Tâm sự của ba thế hệ chỉ huy trưởng nhà giàn ảnh 4

Đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh chỉ huy các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn thực hiện nhiệm vụ.

Trong gần 10 năm ở nhà giàn, kỷ niệm nhớ nhất của anh là cơn bão kép cuối năm 2017, đầu năm 2018. Nhiều cán bộ nhà giàn mà chúng tôi gặp đều khẳng định, đó là cơn bão lớn kỷ lục từ ngày có nhà giàn năm 1989 đến giờ. Bão tràn qua biển vào 12 giờ đêm, khi vào gần nhà giàn Huyền Trân, giật cấp 16-17. Pin năng lượng mặt trời bị đánh bay xuống biển gần hết. Cầu thang, lan can lên xuống, sàn nhà đều bị đổ gãy. Trước khi có cơn bão, theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cán bộ chiến sĩ nhà giàn đã xác định tình huống xấu nhất là rời nhà, để bộ đội làm hết mọi công tác chuẩn bị. Nhưng nhờ được nâng cấp sữa chữa, nhà giàn hiện nay đã chịu được bão cấp cao hơn nên đã không phải rời nhà.

Anh Quỳnh có kinh nghiệm bảy năm làm chỉ huy trưởng nhà giàn. Với anh, ở cương vị này, việc quản lý con người rất quan trọng. Chỉ huy trưởng phải nắm được tâm tư nguyện vọng, quan tâm đến tinh thần, tư tưởng của anh em. Trong công việc không nên máy móc, không rập khuôn mà phải hài hòa, linh hoạt.

Là chỉ huy trẻ sinh năm 1984, ở nhà giàn có những người lính chuyên nghiệp bằng tuổi bố mình, đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh coi các thành viên như trong một gia đình. Nhưng anh cũng là người chỉ huy nghiêm khắc với những khuyết điểm của đồng đội. Những khuyết điểm phải đưa vào sinh hoạt Chi bộ để nhắc nhở. Nếu vi phạm quá ba lần sẽ báo về chỉ huy đơn vị xử lý.

Trung tá Nguyễn Xuân Hà, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng và Đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh là những người chỉ huy trưởng ở ba thế hệ khác nhau, cùng đang làm việc ở nhà giàn. Họ là những đại diện tiêu biểu cho những người lính nhà giàn đang ngày đêm cống hiến tuổi xuân cuộc đời mình để bảo vệ sự bình yên của biển.