Hành trình nghiên cứu rong sụn của các nhà khoa học Việt

Bài 2: Những nhà khoa học gắn đời mình với rong sụn

NDO -

NDĐT - Rong sụn gắn với mồ hôi, nước mắt của người dân ven biển, nhất là những người phụ nữ chân yếu tay mềm không ra biển đánh bắt được cá tôm. Nhưng rong sụn cũng là đề tài khiến nhiều nhà khoa học mất ăn mất ngủ, dành cả chất xám trí tuệ và thời gian của cả cuộc đời mình để nghiên cứu, thậm chí họ còn tham vọng tìm ra chất điều trị HIV từ rong sụn…

Hợp tác với Đại học Hiroshima và Đại học Waseda – Nhật bản thu mẫu sinh vật biển ở vịnh Nha trang để nghiên cứu lectin.
Hợp tác với Đại học Hiroshima và Đại học Waseda – Nhật bản thu mẫu sinh vật biển ở vịnh Nha trang để nghiên cứu lectin.

Nhiều chất xám vì cây rong sụn

Ngay từ khi rong sụn được di nhập vào Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1993-2006, dưới sự chủ trì của nhà khoa học Huỳnh Văn Năng - người được mệnh danh là gắn bó cả cuộc đời nghiên cứu của mình với cây rong sụn, Phân viện Khoa học Vật liệu tại Nha Trang đã nghiên cứu rất nhiều công trình khác nhau về rong sụn như: Nghiên cứu phát triển trồng rong sụn Kappachynus alvarezii làm thực phẩm góp phần phát triển kinh tế vùng biển và hải đảo; Triển khai mô hình trồng rong sụn làm rau xanh cho bộ đội vùng đảo Trường Sa; Điều tra quy hoạch và đề xuất các giải pháp phát triển rong sụn; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm từ rong sụn…
Kế tục sự nghiệp của nhà nghiên cứu Huỳnh Quang Năng, thạc sĩ Trần Mai Đức, thạc sĩ Võ Duy Triết thuộc Phòng Vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển đã có nhiều nghiên cứu mới về rong sụn.

Bài 2: Những nhà khoa học gắn đời mình với rong sụn ảnh 1

Các nhà khoa học ra Trường Sa để thực hiện đề tài trồng rong sụn làm rau xanh. Ảnh: Tư liệu.

Anh Triết học thạc sĩ về nuôi trồng rong biển ở Nhật Bản và bảo vệ đề tài cao học của mình dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Masao Ohno, người đã có công đưa rong sụn đến Việt Nam, với đề tài nghiên cứu tốc độ phát triển, quang hợp hô hấp của rong sụn tại Cam Ranh. Noi gương người thầy của mình, anh đã gắn bó với cây rong sụn từ ngày đầu di trồng vào Việt Nam. Năm 2015, anh tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nhật với đề tài tìm hiểu nguồn lợi rong đỏ Việt Nam, và rong sụn cũng là một loại rong đỏ. Nhưng anh chưa được Nhật Bản cấp bằng tiến sĩ do còn thiếu một bài báo quốc tế (theo tiêu chuẩn cấp bằng TS ở Nhật Bản, nhà khoa học phải có ba bài báo khoa học quốc tế do mình làm chủ nhiệm đề tài). Và rong sụn vẫn đang là một đề tài được thạc sĩ Triết ấp ủ để nghiên cứu tiếp.

Anh Triết cho biết, hướng nghiên cứu của anh trong thời gian tới mang tính ứng dụng, để phục vụ bà con trồng rong sụn hiệu quả hơn. Vừa qua, anh đã hướng dẫn bà con cách tẩy trắng rong sụn để làm thực phẩm, giúp rong sụn mất bớt mùi tanh để dễ ăn hơn. Quy trình tẩy này không cần dùng hóa chất, chỉ dùng ánh sáng mặt trời. Rong sụn được cho vào túi bóng buộc kín, dùng quang năng tức nhiệt mặt trời để làm bay mùi và màu rong xanh thành rong trắng. Loại rong sụn được tẩy trắng thường dùng để làm nộm trong thực phẩm.

Các nhà khoa học thuộc nhiều viện nghiên cứu cũng đang hợp tác nghiên cứu nhân giống rong sụn (Kappaphycus alvarezii) bằng phương pháp nuôi cấy mô, do thạc sĩ Đào Duy Thu thuộc Viện nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm. Tháng 11-2016, họ tổ chức Hội thảo chuyên đề khoa học để báo cáo tình hình thực hiện của đề tài và góp ý cho quy trình nuôi cấy mô. Tại đây, thạc sĩ Trần Mai Đức thuộc Viện nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang cũng đã trình bày báo cáo “Xây dựng mô hình trồng rong sụn thương phẩm nguồn gốc nuôi cấy mô tại Khánh Hòa”. Trong tương lai, phương pháp nuôi cấy mô sẽ giúp Việt Nam có nguồn giống rong sụn dồi dào và chủ động hơn.

Rồi không chỉ những nhà khoa học đã mang giống rong sụn về Việt Nam quan tâm nghiên cứu, nhiều nhà khoa học trong các trường, viện, địa phương khác nhau đã nghiên cứu để đưa giống rong sụn về trồng tại địa phương, tìm ra những chế phẩm vi sinh để phòng bệnh trắng nhũn ở rong sụn, tìm cách chiết xuất chất carrageenan trong rong sụn một cách tối ưu và chất lượng nhất…

Năm 2013, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) do PGS, TS Lê Mai Hương chủ trì cũng đã tạo ra chế phẩm vi sinh phòng bệnh trắng nhũn ở rong sụn. Chế phẩm này chứa bảy chủng vi sinh vật có hoạt tính kháng bảy chủng vi khuẩn gây bệnh trắng nhũn ở rong. Các vi sinh vật trong chế phẩm còn tổng hợp chất kích thích sinh trưởng thực vật (IAA), làm tăng tốc độ sinh trưởng của rong.

Hướng rẽ mới của nhà nghiên cứu chất lectin trong rong sụn

Bài 2: Những nhà khoa học gắn đời mình với rong sụn ảnh 2

TS Lê Đình Hùng.

Khác với những nghiên cứu của các nhà khoa học trên, TS Lê Đình Hùng, trưởng phòng Công nghệ sinh học biển, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đang nghiên cứu để tìm ra những chất khác ngoài chất carrageenan có trong rong sụn.

“Cho đến nay rong sụn đã và đang được nuôi trồng rộng rãi và được xem như một nghề nuôi trồng thủy sản mới cho người dân ven biển. Rong sụn là nguyên liệu chính để chế biến carrageenan hoặc dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên một số hợp chất hoạt tính sinh học quan trọng từ các loài rong này, mà chúng có giá trị trong y dược hầu như chưa được quan tâm nghiên cứu đưa vào sử dụng. Vì vậy, mục tiêu chính của tôi là tập trung nghiên cứu hướng đến sử dụng lectin từ các mẫu rong này để làm dược liệu ngăn ngừa sự lây nhiễm của các dạng virus”, TS Hùng cho biết.

Các kết quả nghiên cứu từ đề tài “Nghiên cứu tính chất hóa-sinh và hoạt tính sinh học của lectin từ rong đỏ chứa carrageenan được nuôi trồng ở Việt nam, 2009-2011” và đề tài “Nghiên cứu lectin tái tổ hợp ái lực cao từ rong đỏ, carrageenophyte, 2012-2015” do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ và đề tài “Nghiên cứu lectin đa chức năng từ rong biển, 2012-2014” trong chương trình Hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Nhật Bản do anh Hùng chủ trì đã chứng minh tính chất, cấu trúc và hoạt tính của lectin từ các rong rong này tương tự với tính chất, cấu trúc và hoạt tính kháng virus cúm và virus HIV của các lectin trong sinh vật bậc thấp đã được công bố.

Các nghiên cứu của anh đã kết luận, rong Carrageenophyte đang được nuôi trồng ở Việt Nam sẽ là một nguồn lectin tốt cho thực phẩm chức năng mà nó có thể ngăn ngừa sự nhiễm virus trong tương lai. Quan trọng hơn là lectin được thu nhận từ các mẫu rong thực phẩm được nuôi trồng rộng rãi ở Việt Nam, có thể cung cấp một số lượng lớn cho sử dụng trong hóa sinh và y sinh hoặc làm thực phẩm chức năng.

TS Lê Đình Hùng tâm sự, suốt 12 năm qua, anh đã nghiên cứu về rong biển, trong đó có rong sụn, rồi đi sâu nghiên cứu chất lectin trong rong sụn. Nhiều đam mê với rong sụn và muốn tìm ra những hướng nghiên cứu mới, nhưng do điều kiện và trình độ trong nước còn hạn chế, không còn cách nào khác, anh Hùng phải hợp tác với các nhà khoa học quốc tế để nghiên cứu.

Bài 2: Những nhà khoa học gắn đời mình với rong sụn ảnh 3

Hợp tác với Giáo sư Kanji Hori, Đại học Hiroshima – Nhật Bản nghiên cứu lectin từ rong Carrageenophyte. Ảnh: TS Lê Đình Hùng.

Anh kết hợp với Giáo sư Kanji Hori, Đại học Hiroshima – Nhật Bản người đứng đầu về nghiên cứu lectin của thế giới để tìm hiểu lectin từ rong. Trong khi các nhà khoa học Nhật nghiên cứu tìm lectin trong một loại rong chỉ có trong tự nhiên nên sản lượng ít thì TS Hùng lại muốn tìm lectin trong các loại rong nuôi trồng được nên có thể chủ động về sản lượng như rong sụn, rong sú, rong gai.

Từ nền tảng của hợp tác nghiên cứu này, anh Hùng nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tìm diệt virus của lectin trong rong sụn. Anh mô tả bằng hình ảnh chất lectin tìm diệt virus cúm H1N1. Công bố của anh cho thấy chất lectin đã diệt được toàn bộ virus cúm, trong khi một chất khác không diệt được. Nghiên cứu tương tự cũng đã được anh thực hiện trên tế bào ung thư, virus HIV.

“Giả sử lectin từ rong sụn có thể diệt virus HIV, vậy tại sao nó diệt được, cơ chế tác động như thế nào để ức chế virus HIV? Nồng độ bao nhiêu thì diệt hết, còn bao nhiêu thì virus có thể phát triển trở lại? Với những câu hỏi này, tôi phải đi rất sâu vào nghiên cứu cơ bản mới có được câu trả lời”, TS Hùng nói.

Anh Hùng cho biết, nghiên cứu của anh cho thấy chất lectin trong rong sụn có thể tìm diệt được 40-50% virus HIV, và mục tiêu tiếp theo là đưa chất này vào thuốc để điều trị cho những người nhiễm HIV.

Để thực hiện tham vọng điều chế thuốc chữa HIV, TS Lê Đình Hùng đang hợp tác với nữ Giáo sư Angela Gronenborn, Đại học Pittsburgh (Mỹ), người chuyên cứu về lectin và một số hoạt chất sinh học để ngăn ngừa HIV. Anh Hùng gặp GS Angela Gronenborn trong một hội thảo ở Nhật Bản và họ bắt đầu hợp tác nghiên cứu từ năm 2015.

Bài 2: Những nhà khoa học gắn đời mình với rong sụn ảnh 4

GS Angela Gronenborn chuyên nghiên cứu về các chất kháng HIV. Ảnh: Internet.

“Bản thân lectin không diệt toàn bộ mà nó chỉ diệt được 40-50% tế bào virus HIV. Trong khi bà Angela đang đi sâu nghiên cứu tìm một chất diệt được 30-40% virus HIV. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách kết hợp ba chất với nhau để diệt toàn bộ tế bào HIV. Còn nếu để riêng từng chất chỉ diệt được 30% virus HIV thì 70% còn lại nó vẫn phát triển và dẫn tới đề kháng lại chất này, về sau không diệt được nó nữa”, TS Lê Đình Hùng nói.

Bà Angela rất hào hứng với chất lectin trong rong sụn của TS Hùng, vì đây là chất mới, lại từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, có thể làm thực phẩm, làm kim chi, nấu chè… Bản thân rong không chứa độc tố nên những hoạt chất chiết từ nó ra cũng vậy. Anh Hùng trầm tư nói, trình độ của mình chỉ đến thế nên chỉ có thể góp được một phần thôi, phải hợp tác quốc tế mới mong có được loại thuốc chữa hoàn toàn được HIV. Khi nghiên cứu thành công, các công ty dược sẽ nhảy vào.

Còn hiện tại, TS Lê Đình Hùng lại đang kết hợp với những nhà khoa học chuyên về nuôi trồng rong như thạc sĩ Võ Duy Triết để kích hoạt chất lectin nhiều hơn trong rong sụn làm thực phẩm nhằm tăng sức đề kháng cho người dân khi sử dụng loại rong này.

Cây rong sụn đã “bén duyên” với Việt Nam 24 năm qua và trở thành một nghề trồng thủy sản có thu nhập cho người dân. Cây rong sụn cũng là tâm huyết của lớp lớp các nhà khoa học mong muốn mang lại những ứng dụng thiết thực cho đời sống con người qua những nghiên cứu của mình. Bởi vậy, câu chuyện về hành trình của rong sụn từ nghiên cứu đến thực tiễn mang đầy ý nghĩa nhân văn…