Số liệu thống kê từ các địa phương, lượng du khách đến miền trung trong những dịp lễ, Tết và hè năm nay tăng cao, nhưng du khách quốc tế chưa nhiều. Do vậy, nguồn thu từ lưu trú, kinh doanh dịch vụ... chưa đủ lớn để tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống kết cấu hạ tầng và đổi mới sản phẩm du lịch...
Du khách tăng nhưng nguồn thu còn hạn chế
Dù tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã lắng xuống, nhưng hậu quả của dịch làm cho nền kinh tế toàn cầu khó khăn, sức chi tiêu trong khối tư nhân giảm mạnh, kéo theo nhu cầu đi du lịch, mua sắm giảm.
Bên cạnh đó, chính sách về visa ở một số nước chưa thông thoáng đã làm cho lượng du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền trung bị sụt giảm so với thời điểm trước dịch (năm 2019).
Chẳng hạn như tại Quảng Nam, là một trong những địa phương có lượng khách quốc tế tăng cao, nhưng sáu tháng đầu năm, cũng chỉ có khoảng 2,1 triệu lượt khách quốc tế (chiếm tỷ lệ 45,7%).
Hay như Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 930 nghìn lượt; Khánh Hòa trong sáu tháng đầu năm đón hơn 2,78 triệu lượt khách, với hơn 780 nghìn lượt khách quốc tế... Còn tỉnh Bình Thuận trong sáu tháng đầu năm đón hơn 4,46 triệu lượt khách du lịch, nhưng chỉ có khoảng 134 nghìn lượt khách quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, hiện nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư đúng mức, tương xứng với tiềm năng; doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn về giãn nợ, khoanh nợ và tiếp cận vốn vay.
Mặt khác, nguồn ngân sách địa phương cũng bị sụt giảm do hậu Covid-19, nên Quảng Nam chưa thông qua Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Và cũng do kinh phí cấp cho công tác tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch còn ít, chưa tạo được sức thu hút lớn các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập. Tình trạng chèo kéo khách vẫn còn xảy ra, công tác an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường một số khu, điểm du lịch vẫn chưa bảo đảm.
Trước tình hình đó, Quảng Nam đã lên kế hoạch thu hút, đón du khách quốc tế; đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.
Tỉnh đang rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế; mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Đồng thời hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách.
Mới đây, tỉnh Quảng Nam phối hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam và hơn 65 doanh nghiệp hoạt động du lịch cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch 2023 với chủ đề "Quảng Nam-Cảm xúc mùa hè" diễn ra từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2023, với nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, hấp dẫn trải dài từ miền biển đến vùng núi của tỉnh.
Theo đó, các đơn vị đã tung ra 16 gói sản phẩm du lịch đặc sắc với chính sách giá ưu đãi và các dịch vụ chất lượng nhằm thu hút và níu chân du khách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Lê Hữu Hoàng cho biết, để xây dựng Nha Trang-Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch có dịch vụ đẳng cấp, tỉnh chỉ đạo ngành du lịch khắc phục những điểm yếu như sản phẩm và dịch vụ du lịch Nha Trang chưa thật sự đa dạng, còn thiếu dịch vụ cao cấp, chuẩn quốc tế 5-6 sao đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều tầng lớp khách hàng.
Trên thực tế, không chỉ khách du lịch quốc tế mà còn cả khách du lịch trong nước khi tới Nha Trang đều mong muốn được trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp cao, mới lạ, độc đáo, hấp dẫn thay vì chỉ có nghỉ dưỡng và tắm biển. Sản phẩm và dịch vụ du lịch cao cấp, đa dạng không chỉ thu hút nhiều du khách hơn mà còn giữ chân được họ ở lại lâu hơn, tạo ra nguồn thu lớn hơn.
Đón đầu xu hướng du lịch hè, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023-Wow Đà Nẵng diễn ra từ ngày 28/7-1/8 tới đây, với nhiều hoạt động thú vị.
Đây là sự kiện được thành phố tổ chức hằng năm, ngày càng đa dạng, giúp quảng bá các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng biển, mang đến cho người dân, du khách nhiều hoạt động mới lạ và ấn tượng, góp phần định vị Đà Nẵng-Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến khẳng định, Đà Nẵng cam kết bảo đảm tạo mọi điều kiện trong dịp tổ chức Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023 để các sự kiện diễn ra an toàn và trọn vẹn, giúp du khách tận hưởng các dịch vụ một cách tốt nhất.
Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch và cơ hội đầu tư vào du lịch Quảng Bình đến du khách và các nhà đầu tư tại Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh phía bắc.
Cùng với các hoạt động trưng bày, quảng bá du lịch, giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Quảng Bình, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã gặp gỡ, làm việc với các nhà đầu tư về du lịch nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư về lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí tại địa phương.
Đáng chú ý, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch Hà Nội-Quảng Bình; quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch chung giữa hai địa phương; xúc tiến, thúc đẩy khách du lịch từ thành phố Hà Nội đến Quảng Bình và ngược lại.
Để du lịch phát triển bền vững
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương. Quảng Nam sẽ bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, độc đáo để hình thành các sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù riêng của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, kiên quyết không cạnh tranh phá giá. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế. Kiên quyết xử lý tình trạng môi giới, cò mồi, đeo bám, chèo kéo du khách; có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch gây ảnh hưởng đến du khách và cộng đồng; quy hoạch, sắp xếp, bố trí phù hợp các khu vực kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, ngành du lịch Đà Nẵng đang trên đà phục hồi sau ba năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Mới đây, Đà Nẵng vừa đón chuyến bay thuê chuyến đầu tiên từ Trung Quốc đến Đà Nẵng. Đây là một sự khởi đầu cho một thị trường chủ chốt của thành phố Đà Nẵng trước dịch Covid-19, nên rất kỳ vọng thị trường khách Trung Quốc sẽ sớm phục hồi. Dự kiến, tháng 10/2023, Đà Nẵng sẽ khôi phục chuyến bay thẳng đến Ấn Độ. Đây thật sự là tín hiệu rất đáng mừng cho Đà Nẵng trong phục hồi ngành du lịch.
Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, để nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch ở địa phương, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh và chính quyền các địa phương cần phải tranh thủ hiệu ứng lan tỏa từ các chuỗi sự kiện, hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận-Hội tụ xanh" và sớm đưa tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam (phía Ðông) đoạn qua địa bàn tỉnh vào khai thác, sử dụng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú và tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách; chủ động chuẩn bị các điều kiện tổ chức đón khách trong nước và quốc tế đến Bình Thuận, nhất là trong mùa du lịch hè và Lễ Quốc khánh 2/9/2023.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Bùi Thế Nhân, du lịch Bình Thuận hiện đang có rất nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ cố gắng thu hút du khách đến với tỉnh theo tiêu chí "du khách đến đông hơn, ở dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn". Với đà tăng trưởng trong sáu tháng qua, hy vọng đến cuối tháng 10 đầu tháng 11/2023, lượng du khách đến với Bình Thuận sẽ đạt con số 6,7 triệu lượt, đạt chỉ tiêu cả năm 2023.
Để phát triển bền vững, ngành du lịch Khánh Hòa cũng đang chỉ đạo các doanh nghiệp sẵn sàng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, chất lượng không gian và dịch vụ du lịch đô thị, hướng đến đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế chất lượng cao.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh, với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch tàu biển, Khánh Hòa đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế. Từ tháng 3/2023 đến nay, Khánh Hòa đón nhận năm chuyến tàu du lịch biển, với gần 4 nghìn khách. Sự trở lại khá mạnh mẽ của dòng khách du lịch bằng tàu biển đến từ nhiều quốc gia là tín hiệu tốt, khẳng định vị thế của điểm đến Nha Trang-Khánh Hòa.
Khách du lịch bằng tàu biển là dòng khách cao cấp, có khả năng chi tiêu cao nhưng cũng có yêu cầu rất cao về dịch vụ, sản phẩm du lịch. Điều đó đặt ra cho địa phương, ngành du lịch nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng vật chất, xã hội; kỹ năng tổ chức đưa đón khách du lịch và đặc biệt là chất lượng của các điểm đến. Do vậy, tỉnh Khánh Hòa tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng ưu tiên trước hết cho dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao, hướng tới sự chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Từ đó từng bước chủ động cơ cấu được các dòng khách đến với Nha Trang-Khánh Hòa.
"Hiện Khánh Hòa đang tự làm mới mình bằng nhiều sản phẩm du lịch biển mới lạ, đặc sắc; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ đón khách tàu biển", Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh chia sẻ.
-------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17/7/2023.