Tăng hiệu quả của các tổ chức kinh tế tập thể

Bài 2: Để kinh tế tập thể phát triển bền vững

Bên cạnh những tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, vẫn còn nhiều tổ chức, đơn vị hoạt động lay lắt, cầm chừng theo cách làm cũ. Mặt khác, hoạt động các hợp tác xã còn không ít “điểm nghẽn” khiến cho các tổ chức này chưa tiếp cận được với các cơ chế, chính sách của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất và tiêu thụ su su ở Hợp tác xã Hoa Đào, thị xã Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh Quốc Hồng)
Sản xuất và tiêu thụ su su ở Hợp tác xã Hoa Đào, thị xã Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh Quốc Hồng)

Làm thế nào để khơi thông các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh cho các hợp tác xã là những vấn đề cần lời giải đáp từ chính các hợp tác xã và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Bắc Kạn là tỉnh có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nhưng thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã chỉ đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so mục tiêu là 5,2 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn kết hệ thống giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác.

Một số hợp tác xã chưa làm tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; chưa tổ chức lưu trữ đầy đủ tài liệu theo Luật Hợp tác xã, chưa thực hiện chế độ báo cáo hằng năm theo quy định. Nguyên nhân được xác định do phần lớn hợp tác xã quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn lẻ. Vốn của các hợp tác xã còn thấp, do khả năng góp vốn của các thành viên hợp tác xã còn hạn chế.

Từ đó, gây khó khăn cho các hợp tác xã trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hình thức kinh doanh. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của các hợp tác xã còn yếu. Đa số cán bộ chủ chốt hợp tác xã chỉ được đào tạo qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày.

Về mặt quản lý nhà nước, một số địa phương chưa thật sự coi trọng công tác phát triển hợp tác xã. Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được ban hành, nhưng không có nguồn lực thực hiện và không khả thi. Theo đồng chí Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, kinh phí hỗ trợ phát triển hợp tác xã hằng năm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu.

Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Hợp tác xã và Luật Đất đai, dẫn đến việc nhiều hợp tác xã gặp khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất (số hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chiếm tỷ lệ 19%); khó khăn trong việc xây dựng trụ sở, điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm...

Một “điểm nghẽn” trong phát triển các hợp tác xã là nguồn vốn và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Tại Hà Giang, hầu hết các hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, vốn góp là tài sản riêng của các thành viên, hợp tác xã không có tài sản chung, dẫn đến khó khăn trong việc tín chấp tài sản để vay vốn kinh doanh.

Ông Hoàng Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 98 của Chính phủ. Theo nghị định, các hợp tác xã sẽ được hỗ trợ 30% giá trị dự án đầu tư và yêu cầu bắt buộc là hợp tác xã phải bỏ tiền ra đầu tư trước, Nhà nước nghiệm thu, hỗ trợ sau, đồng thời phải bảo đảm nhiều hồ sơ, thủ tục khác. Tuy nhiên, hầu hết hợp tác xã có năng lực tài chính kém, năng lực quản lý hạn chế, nên rất khó tiếp cận với nguồn vốn này. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh có ba dự án nằm trong kế hoạch hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu và giải ngân”.

Ông Lý Tà Dèn, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ chia sẻ: “Những năm qua, hợp tác xã chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng. Sản phẩm của hợp tác xã là các bài thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng nên việc công bố chất lượng cho các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, nhân viên kinh doanh còn yếu về truyền thông, marketing và mở rộng sản xuất. Do đó, hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như hỗ trợ vay vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và quảng bá sản phẩm”.

Ngoài ra, một số địa phương vẫn chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tại Nam Định, việc thành lập quỹ vẫn đang nằm trong dự thảo đề án do Liên minh Hợp tác xã trình UBND tỉnh phê duyệt, khiến số lượng và tỷ lệ các hợp tác xã tiếp cận được các chính sách rất thấp, nhất là chính sách ưu đãi tín dụng và cơ sở hạ tầng.

Xác định phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các địa phương đều có những giải pháp nhằm củng cố và phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Tỉnh Bắc Kạn tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu địa phương, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển kinh tế hợp tác xã, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận rõ kinh tế tập thể là xu thế tất yếu.

Giai đoạn này, Bắc Kạn tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã đi đôi với rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời để khắc phục mặt hạn chế, nhất là về đất đai và vốn sản xuất. Tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn Ngô Thế Cường cho biết: “Hiện ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã thẩm định 67 danh mục liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới đến năm 2025 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt”.

Để phát triển kinh tế tập thể, thành phố Cần Thơ yêu cầu trong thời gian tới, sở, ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và ngành mình quản lý, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, thành phố xem xét thành lập quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã.

Ngoài việc hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn và đất đai, các tỉnh, thành phố cũng tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ cho các hợp tác xã. Bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào kinh tế tập thể, trọng tâm là thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế tập thể theo hướng tinh gọn, duy trì và phát triển hợp tác xã hoạt động tốt, giải thể những đơn vị hoạt động kém.

Tương tự, tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao năng lực, vai trò của cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm các cấp đều có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, tỉnh yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các sáng lập viên có nhu cầu thành lập hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các tổ hợp tác, trang trại hoạt động hiệu quả có nhu cầu thành lập hợp tác xã.

Tỉnh chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc đăng ký lại các hợp tác xã đang hoạt động, giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động; khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế.

Tỉnh Nam Định chủ trương phát triển toàn diện kinh tế tập thể theo hướng đa dạng hóa các loại hình hợp tác xã; nâng cấp tiêu chí, gắn hiệu quả kinh tế hợp tác xã với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế các hộ thành viên; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các hợp tác xã.

Nam Định phấn đấu đến năm 2030 có 70% số hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực, tham gia chương trình OCOP ở địa phương; xây dựng được ít nhất 100 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp Nam Định xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

(Tiếp theo và hết)

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 14/9/2022.