Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả chế biến sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%-25%.
Chọn tạo giống để tăng sức cạnh tranh
Giống là yếu tố đầu vào rất quan trọng của chuỗi sản xuất nông sản nói chung và rau quả nói riêng. Đây được coi là tiền đề cho phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sản xuất cây ăn quả liên tục tăng trưởng về diện tích, sản lượng trong những năm gần đây, đạt khoảng 1,2 triệu héc-ta với sản lượng 14 triệu tấn/năm, do đó nhu cầu giống hiện rất lớn. Cụ thể như cây trồng chủ lực sầu riêng, trung bình trồng mới hằng năm là hơn 16.000 ha, ước nhu cầu giống khoảng 1,6 triệu đến 3,3 triệu hom giống/năm; thanh long trồng mới 3.800 ha/năm, ước nhu cầu khoảng 13 triệu hom giống… Ngoài ra còn các loại xoài, chuối, mít… cũng tăng diện tích hằng năm đòi hỏi lớn về nguồn cung giống.
Tuy nhiên, hiện nay năng lực hệ thống sản xuất giống còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu. Nguyên nhân một phần là do việc nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả chưa có công nghệ đột phá; chưa quan tâm phục tráng giống, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống sạch bệnh và gốc ghép. Hệ thống sản xuất giống nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô hộ kinh doanh; cây đầu dòng, vườn đầu dòng khiêm tốn…
Trong khi đó, tình trạng cây giống kém chất lượng vẫn lưu hành, gây thiệt hại cho sản xuất. Công tác thanh tra kiểm tra năm 2022 đối với 5 đơn vị sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống thì chỉ có 18 đơn vị đạt yêu cầu, chiếm 9%. Các đơn vị còn lại chưa đáp ứng hết yêu cầu, chiếm 91%, với các tồn tại như: thiếu giấy phép kinh doanh; chưa đủ minh chứng nguồn gốc cây giống; giống chưa được lưu hành; điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Ngô Tường Vy cho rằng: Sầu riêng đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả nên cần đặc biệt quan tâm đến khâu chọn tạo giống để có giống tốt nhất, đặc trưng của Việt Nam, khi nói đến là đối tác biết ngay đó là sầu riêng Việt Nam.
Như vậy về lâu dài mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia cùng xuất khẩu mặt hàng này. Vì hiện nay sầu riêng Thái Lan vẫn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, sầu riêng Malaysia cũng đang có kế hoạch mở rộng thị phần tại thị trường này với giống riêng là Musang King kèm lô-gô và mẫu mã riêng để phân biệt với sầu riêng có nguồn gốc từ nơi khác.
Thực tế trong những năm vừa qua, Thái Lan đã làm tốt công tác nghiên cứu và lai tạo giống sầu riêng phù hợp với nhiều thị trường. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Thành Huy thông tin: Bên cạnh những giống sầu riêng nổi tiếng, Thái Lan cũng tập trung phát triển giống mới là Pak Chong-Khao Yai, trình làng vào tháng 6/2022, được phát triển dựa trên giống sầu riêng Mon Thong. Điểm đặc biệt của giống sầu riêng này là không mùi với kỳ vọng giúp sầu riêng tới gần hơn với người tiêu dùng không quen với mùi đậm đà đặc trưng, nhằm đa dạng thị trường tiêu thụ trước sức ép cạnh tranh tại thị trường truyền thống Trung Quốc.
Ngoài cây ăn quả, theo ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, giống rau cũng là khâu yếu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay khi phải nhập khoảng 90% hạt giống mặc dù Việt Nam có những vùng khí hậu phù hợp để sản xuất hạt giống các loại rau cận ôn đới. Vì vậy cần phải đầu tư hơn nữa cho việc nghiên cứu chọn tạo giống, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra về chất lượng giống, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó có cây ăn quả và các loại rau củ.
Chế biến là bước đi đường dài
Dừa là loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng chế biến, là loại sản phẩm được kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD trong thời gian tới. Muốn gia tăng giá trị cho loại cây trồng này thì chế biến là điều kiện tiên quyết. Hiện Bến Tre đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa một cách chắc chắn và phong phú về mặt hàng. Ông Lê Hoàng Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho biết: “Trong thời gian qua, công ty đã liên kết xây dựng vườn dừa hữu cơ tại huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc với diện tích 1.280 ha, có 1.563 hộ tham gia. Hiện nay chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành dừa của tỉnh”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Quỳnh Nga, công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ khoảng 85% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh và chiếm tỷ trọng khá lớn so với ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bến Tre hiện có hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, kẹo dừa, thạch dừa…
Ngoài ra còn có khoảng hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa… cũng được tiêu thụ mạnh. Một số doanh nghiệp lớn đã có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, như ISO 22000: 2005, HACCP, Halal, sản phẩm hữu cơ…
Chính vì vậy, sản phẩm dừa Bến Tre hoàn toàn có khả năng thâm nhập vào các thị trường lớn, chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản… Hằng năm, các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng khoảng 20%-30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre.Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 23,6%/năm và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Không nằm ngoài xu hướng thị trường tăng tiêu dùng các mặt hàng chế biến, ngành hàng sầu riêng cũng cần sớm đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc quả tươi.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông tin từ Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này sang Trung Quốc sẽ bắt đầu vào năm 2024, dự kiến khoảng tháng 5/2024. Các thành viên trong ngành sầu riêng và Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Malaysia hiện đang đánh giá các phương thức vận tải khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển. Theo ước tính, sầu riêng có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không.
Như vậy, sự cạnh tranh trong xuất khẩu trái sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc cả về chất lượng và thời gian vận chuyển sẽ ngày càng gay gắt. Về lâu dài, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới sản phẩm chế biến như: sầu riêng cấp đông, trà, kem… và các thực phẩm khác. Khi chế biến sâu, các sản phẩm này cũng có thêm nhiều hướng xuất khẩu sang các thị trường xa về địa lý do sản phẩm tăng thời gian bảo quản và hạn chế được một số khâu kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến đòi hỏi phải có thiết kế nhà máy an toàn thực phẩm, bảo đảm thiết kế một chiều, không lây nhiễm chéo từ khâu đầu vào đến chế biến, lưu kho và xuất khẩu nên các doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hạn trong đầu tư vốn và công nghệ cao.
---------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27/1/2024.
Xuất khẩu rau quả trước cơ hội bứt phá
Theo Quyết định Số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,3 triệu héc-ta, sản lượng hơn 16 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 1 triệu héc-ta, sản lượng 13 triệu-14 triệu tấn. Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 60%-70%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 80%-90%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt 40%- 50%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 30%-40%.