Ban Tổ chức trao gần 4.000 suất quà, 10.000 vé xe, 15.000 phiếu mua hàng, 500 phiếu thay dầu xe máy miễn phí, gần 400 phần quà quay số trúng thưởng tặng đoàn viên, công nhân lao động với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. 100 gian hàng với giá ưu đãi từ 10-70% giá thị trường; gần 20 gian hàng 0 đồng, gian hàng miễn phí cung cấp các đồ dùng thiết yếu, các dịch vụ miễn phí… phục vụ người lao động dịp này.
Hưng Yên: Hơn 2.800 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hưng Yên hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.485 căn nhà cho hộ người có công với cách mạng, hộ nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 180 tỷ đồng. Năm 2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Trọng tâm là hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng yếu thế khác...
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800 hộ có nhu cầu được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng đối với nhà xây mới và 50 triệu đồng đối với nhà sửa chữa, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Hà Nam có 3 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia năm 2024
Ba bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Vũ Bản, niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ III - II TCN, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam; 6 pho tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn, niên đại thời Lý (1118 - 1121), hiện được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; Khánh đá chùa Điều, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (đời vua Lê Hy Tông, 1692), hiện lưu giữ tại chùa Điều, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
Theo Bảo tàng Hà Nam, Bộ tượng 6 pho tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn cung cấp nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, trang phục cổ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hóa lớn của khu vực trong lịch sử…
Khánh đá chùa Điều được tạo tác vừa có chức năng là pháp nhạc của Phật (nhạc khí) vừa mang chức năng của bia đá, được chạm khắc trên 2 mặt. Khánh được trang trí chạm khắc nổi hoa văn, họa tiết và bài minh văn không trùng với bất kỳ chiếc khánh đá nào cùng thời. Trống đồng Vũ Bản có đường kính mặt 80,5 cm, tang trống cao 24 cm, toàn thân còn lại cao 33 cm, nặng 42 kg.
Thành phố Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước về thu ngân sách
Đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hải Phòng là hơn 118.200 tỷ đồng, đạt 120,9% dự toán Trung ương giao và đứng thứ ba toàn quốc về số thu ngân sách, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Cục Thuế Hải Phòng quản lý thu thuế trên phần mềm eTax mobile. |
Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 67.000 tỷ đồng, đạt 113,9% dự toán Trung ương giao và tăng 16,7% so với năm 2023; thu nội địa đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đạt hơn 133% so với dự toán Trung ương giao và tăng hơn 15% so với năm 2023. Năm 2025, thành phố Hải Phòng phấn đấu tổng thu ngân sách hơn 118.000 tỷ đồng; trong đó, tăng cường thu nội địa với mục tiêu đạt 51.000 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 62.700 tỷ đồng.
Thái Bình: Thưởng Tết cao nhất là 120 triệu đồng/người
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, đến ngày 9/1 đã có hơn 330 doanh nghiệp gửi báo cáo về tình hình tiền lương năm 2024 và tiền thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, tiền lương bình quân năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7,8 triệu đồng/người/tháng; mức tiền lương cao nhất là 68 triệu đồng/người/tháng thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy). Ngoài tiền lương, các doanh nghiệp còn thực hiện chế độ phụ cấp khác như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại... cho người lao động.
Về tình hình thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp trên địa bàn dao động từ 4,6 - 6,8 triệu đồng/người; mức thưởng cao nhất là 120 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình).