Ngày 14/9, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết, tỷ lệ học sinh cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia học trực tuyến đạt hơn 89%. 10% còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện và khả năng học tập trực tuyến.
Mặt khác, theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, một số ít giáo viên chưa quen, chưa thành thạo với khả năng dạy học trực tuyến. Nhà trường và giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ các nền tảng để dạy học. Đồng thời, khó khăn nữa là đường truyền internet đôi khi không ổn định. Trong thời gian dạy học trực tuyến, một số nơi và khu vực có tình trạng bị cúp điện đột ngột; tinh thần học tập của một số học sinh chưa cao vì mới làm quen với hình thức học tập mới…
Trước những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đã chỉ đạo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ khẩn trương phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xem xét, rà soát tình trạng khó khăn, vướng mắc nêu trên của đội ngũ giáo viên và học sinh, kịp thời có phương án giúp đỡ, khắc phục.
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, vướng mắc, bấp cập ban đầu, chính quyền, các ngành chức năng, nhất là ngành Giáo dục, các bậc cha mẹ phụ huynh trong tỉnh cần cố gắng hết mình, không để tình trạng khó khăn dẫn đến việc học sinh không thể học tập, đặc biệt là học trực tuyến”, ông Phạm Văn Thiều nói.
Thị xã Giá Rai được đánh giá là đơn vị có tỷ lệ học sinh học trực tuyến cao của tỉnh. Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Giá Rai cho biết, kết quả bước đầu là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, ngành Giáo dục và toàn dân của thị xã. Ngày đầu tiên bước vào năm học mới (ngày 6/9) toàn thị xã Giá Rai có hơn 6.300 trên tổng số 7.300 học sinh học trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 86%. Đến hôm nay tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đã đạt 100%.
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên trực tiếp đến từng gia đình học sinh khảo sát, thống kê số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Trên cơ sở kết quả khảo sát đã đề ra những giải pháp như động viên gia đình cho học sinh mượn điện thoại thông minh của cha, mẹ, anh, chị… để học trực tuyến. Nếu gia đình không có điện thoại do hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ, tùy theo điều kiện thực tế.
Mặt khác, vận động các các nhà hảo tâm tặng điện thoại cho học sinh, phối hợp với VNPT và Viettel kéo đường truyền internet, tặng sim và giảm giá cước 4G cho học sinh. “Động viên học sinh không có thiết bị đến học chung với bạn cùng lớp có thiết bị (nhà gần nhau, học 02 em/nhóm). Đặc biệt, huyện phát động phong trào “Nhà giáo Giá Rai nhận đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó”, để các thầy, cô giáo giúp đỡ về thiết bị, gói cước dữ liệu internet cho học sinh, thầy Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Với sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là ngành Giáo dục và cha mẹ học sinh, những khó khăn, bất cập nêu trên sớm được giải quyết, khắc phục, giúp giáo viên, học sinh dạy và học tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.