Bạc Liêu khắc phục hạn chế trong du lịch

Bạc Liêu hiện có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên thực tế có những điểm du lịch còn đơn điệu, nghèo nàn. Chất lượng một số dịch vụ hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà công tử Bạc Liêu là địa chỉ nhiều du khách ghé thăm.
Khu nhà công tử Bạc Liêu là địa chỉ nhiều du khách ghé thăm.

Theo số liệu từ ngành chức năng Bạc Liêu, năm 2022, tỉnh đón tiếp gần 3,67 triệu lượt khách, đạt 111% kế hoạch năm, tăng 53% so năm 2021; trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt.

Tổng doanh thu ngành du lịch đạt 3.250 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm, tăng 55% so với năm 2021. Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7%-9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó 12.000 lao động trực tiếp…

Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu xác định du lịch là một trong 5 trụ cột, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng.

Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh nỗ lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch sinh thái ven biển thành phố Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải.

Chính quyền địa phương chú trọng phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp với dịch vụ giải trí cao cấp ven biển; nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Mặt khác, các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là tại thành phố Bạc Liêu quan tâm xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo, bắt chẹt du khách...

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Bạc Liêu, Đỗ Ái Lanh cho biết, trong số 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận của tỉnh, riêng thành phố Bạc Liêu chiếm 9 điểm.

Nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa với các điểm du lịch nổi tiếng, cụ thể như: cánh đồng điện gió trên biển của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Lý; Khu nhà công tử Bạc Liêu, Khu Quán Âm Phật Đài, chùa Xiêm Cán, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Du khách trong nước và nước ngoài rất thích thú, ấn tượng tốt đẹp, mới mẻ khi đặt chân đến thăm “cánh đồng điện gió”; đây là công trình dự án điện gió vùng ven biển đầu tiên của tỉnh.

Dù có khá nhiều tiềm năng, thế mạnh và đạt được những kết quả khả quan nhưng ngành du lịch của tỉnh Bạc Liêu nói chung, thành phố Bạc Liêu nói riêng còn không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, nhiều năm qua Bạc Liêu còn “loay hoay”, chưa khai thác thật sự hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Khâu yếu nhất vẫn là các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn. Việc đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh còn rất hạn chế.

Hoạt động du lịch rời rạc, chưa tạo được tour, tuyến hấp dẫn trong tỉnh; sự liên kết giữa thành phố Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố khu vực và cả nước. Lượng khách đến thành phố Bạc Liêu khá lớn nhưng thời gian lưu trú không nhiều. Hệ thống cơ sở kỹ thuật dịch vụ còn thiếu, chưa phong phú, đa dạng; hoạt động vui chơi giải trí chưa thu hút du khách.

Đáng lưu ý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu. Tính văn minh, chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động du lịch còn hạn chế, sản phẩm mang tính cạnh tranh thấp. Một số điểm du lịch từ lâu khá nổi tiếng như Khu nhà công tử Bạc Liêu tại Phường 3 (thành phố Bạc Liêu) khiến nhiều du khách có cảm giác hụt hẫng vì chỉ “lèo tèo” vài món đồ giả cổ nhưng vé vào vẫn khá cao.

Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh Bạc Liêu hiện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế; phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế du lịch địa phương. Theo đó, các địa phương trong tỉnh tăng cường hoạt động kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Bạc Liêu an toàn, hấp dẫn”.

Các khu du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống, bán hàng đặc sản, lưu niệm… thực hiện phong cách phục vụ “văn minh - lịch thiệp - hiếu khách”. Chú trọng quảng bá các sản phẩm du lịch “đặc sản” của địa phương như Đờn ca tài tử. Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm mới; đa dạng hóa và thật sự hấp dẫn các sản phẩm, dịch vụ, nhất là du lịch về ban đêm, gắn với ẩm thực. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.