Bạc Liêu khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu xếp hạng 61 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 13 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu đã đề ra các giải pháp quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu sớm trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình điện gió ngoài khơi ở Bạc Liêu.
Công trình điện gió ngoài khơi ở Bạc Liêu.

Năm 2022, theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số thành phần về giải quyết các thủ tục đất đai của tỉnh Bạc Liêu chỉ được 7,03 điểm và giảm 9 bậc so với năm 2021. Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số thành phần này của Bạc Liêu giảm điểm và giảm về thứ hạng.

Cũng theo VCCI, một chỉ số thành phần khác của tỉnh Bạc Liêu cũng bị giảm điểm sâu là tính minh bạch. Theo đó, năm 2022, chỉ số thành phần này chỉ được 4,71 điểm, giảm 23 bậc so với năm 2021… Việc minh bạch thông tin của tỉnh chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, doanh nghiệp còn gặp khó về tiếp cận tài liệu pháp lý, tài liệu quy hoạch, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản cần thiết khi yêu cầu cơ quan tỉnh cung cấp còn thấp, số ngày cung cấp kéo dài.

Anh Phạm Thanh Đông, trú tại số 155G/2, đường Nguyễn Tất Thành, Khóm 4, Phường 7, thành phố Bạc Liêu cho biết: “Người dân, doanh nghiệp khi có việc đến Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường của thành phố Bạc Liêu mới thấy hết nỗi khổ”.

Anh Đông nêu dẫn chứng cụ thể: “Tôi nộp bộ hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công thành phố Bạc Liêu xin chuyển đổi mục đích sử dụng 125 m2 đất từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở đô thị, tại thửa đất 134, tờ bản đồ số 50, tọa lạc Khóm 4, Phường 7, thành phố Bạc Liêu. Trong quá trình thực hiện thủ tục, tôi đã nộp tiền đo đạc và nhận phiếu hẹn.

Tuy nhiên, khoảng hai tuần sau, tôi đến bộ phận một cửa mới biết là hồ sơ bị trục trặc và cán bộ hướng dẫn tôi liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường để biết rõ lý do. Sau khi tôi liên hệ với ông Trần Sĩ Em, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bạc Liêu, tôi nhận được câu trả lời rằng khu đất của gia đình đang có nhà đầu tư xin vào khảo sát lập quy hoạch xây dựng dự án khu đô thị, cho nên không cho chuyển đổi.

Quá bức xúc, tôi và một số người dân đã làm đơn tố cáo gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh và thành phố Bạc Liêu. Sau đó, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu đã vào cuộc xem xét, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Trần Sĩ Em, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, đồng thời đã điều chuyển ông này đi nơi khác…”.

Vụ việc nêu trên chỉ là một trong rất nhiều vụ mà người dân và các doanh nghiệp rất bức xúc phản ánh đến cơ quan báo chí và chính quyền tỉnh Bạc Liêu thời gian qua…

Từ thực tế, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nghiêm túc đánh giá tình hình, đề ra các giải pháp cụ thể, kiên quyết sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, trước hết, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung tay, góp sức tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, yếu kém; đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, quyết tâm sớm vươn lên xếp hạng trung bình so với các tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện 14 giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trước mắt, tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi đầu tư.

Về lâu dài, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; tiếp tục triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư-thương mại có hiệu quả; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng…