Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về "Chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Ðề án "Phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030". Tiếp đó, các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có các nghị quyết, chương trình hành động rất cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra nhiều chuyển biến, đột phá mới.
Chuyển đổi số đã và đang góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng; an toàn thông tin; kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giải quyết ngày một tốt hơn các thủ tục hành chính. Ðồng thời, số lượng dịch vụ công trực tuyến không ngừng được nâng lên; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp xã.
Ðến nay, Bạc Liêu đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch tư pháp đạt 100%; đồng bộ dữ liệu thông tin y tế với mã định danh công dân đạt hơn 95%; tích hợp dữ liệu y tế với dữ liệu bảo hiểm y tế và dữ liệu mã định danh công dân đạt gần 96%. Ngoài ra, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh và một số cơ sở giáo dục đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến thời điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng; 100% số trường học, bệnh viện có kết nối internet băng thông rộng; tổng số thuê bao trên toàn tỉnh ước đạt 740.498 thuê bao. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thanh Duy, tính đến giữa năm 2023, Bạc Liêu có 73 điểm cầu hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Hiện tại đã đồng bộ dữ liệu thông tin y tế với mã định danh công dân là 891.688/958.805 số dân… Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu Lê Kim Thúy cho biết, năm 2023, chuyển đổi số là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Theo đó, thành phố Bạc Liêu tập trung tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ công chức viên chức và người dân; không dùng văn bản giấy; nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến; xây dựng mô hình chợ 4.0 "Không dùng tiền mặt" và tuyến đường "Không dùng tiền mặt"; thực hiện chữ ký số…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về công nghệ, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức; đồng thời định hướng, xác định lộ trình, trang bị kiến thức cơ bản, các nội dung, yêu cầu trong việc thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị. Cán bộ, viên chức và các Tổ công nghệ số cộng đồng được trang bị kiến thức về lợi ích của chuyển đổi số; cách thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ trên phần mềm một cửa, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cách thanh toán không dùng tiền mặt…
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Ðịnh kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ trì, phối hợp với sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về tình hình triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo… Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu Bùi Thanh Toàn chia sẻ: "Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh là một trong những đơn vị chủ lực được Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và giám sát chương trình, mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh. Chúng tôi xác định đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề. Vì vậy, từ Ban Giám đốc đến cán bộ, nhân viên đang rất nỗ lực với quyết tâm cao, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Nỗ lực chuyển đổi số của Bạc Liêu nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Giám đốc Công ty Kinh doanh bất động sản Bạc Liêu Vũ Văn Phơn nhận xét: "Từ khi các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp và các hộ dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, mong sao việc chuyển đổi số ở địa phương cần thực hiện mạnh mẽ, thiết thực, liên tục, hiệu quả hơn nữa để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong các hoạt động".