Bắc Kạn phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Sau hơn 3 năm thực hiện chiến lược phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, đến nay tại Bắc Kạn, nhiều cơ sở chế biến sản phẩm tham gia đều được đầu tư nâng cấp, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, dần đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Hợp tác xã miến dong Tài Hoan. (Ảnh: THU CÚC)
Giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Hợp tác xã miến dong Tài Hoan. (Ảnh: THU CÚC)

Là một trong những đơn vị tham gia kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2023, đến nay, Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định; có dây chuyền sản xuất khép kín, từ máy nghiền củ, máy tách bột, máy tráng, máy cắt và hệ thống đóng gói, bao bì.

Sản phẩm miến dong của đơn vị khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Theo Giám đốc đơn vị Nguyễn Thị Hoan, Hợp tác xã luôn duy trì sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt đến chế biến, sơ chế, đóng gói. Trung bình mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn miến, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người với mức lương từng 6-7 triệu đồng/tháng.

Bắc Kạn phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị ảnh 1

Lãnh đạo huyện Na Rì kiểm tra mô hình canh tác cây hồng không hạt theo chuỗi giá trị. (Ảnh: THANH LỘC)

Miến dong phân phối trong hệ thống siêu thị Coop Mart và các đại lý, đầu mối ở các địa phương. Các sản phẩm của Hợp tác xã cũng đang được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, Australia và Mỹ.

Từ năm 2020, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn tham gia phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Sau hơn 3 năm thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ nghệ, đến nay, đơn vị có hơn 44 ha vùng nguyên liệu. Cơ sở chế biến, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm, đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

Quy trình sản xuất được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến thực hành trên vùng trồng và bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm chủ lực là tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen được nhiều đơn vị liên kết tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chi Minh... và một số công ty xuất nhập khẩu, đem lại thu nhập cao cho thành viên và các hộ dân tham gia liên kết.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Sỹ Thắng, tỉnh hiện có 6 chuỗi liên kết tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt; 21 sản phẩm chế biến từ các ngành hàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Các chuỗi liên kết giúp người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, thu nhập cao hơn 10-15% so sản xuất theo phương thức cũ.

Năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp được nâng lên. Từ đó, giúp các đơn vị tham gia có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, mở rộng quy mô; tạo thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Ðể các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế hợp tác.

Tỉnh huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Tỉnh hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử… Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ, kết nối với các đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.