Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Bắc Kạn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Ở những tỉnh miền núi khó khăn như Bắc Kạn, yêu cầu cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn phải có tâm huyết, tình yêu nghề. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Bắc Kạn.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm Ma Thị Mận phát biểu tại một buổi sinh hoạt chi bộ ở xã An Thắng. (Ảnh PHƯƠNG THẢO)
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm Ma Thị Mận phát biểu tại một buổi sinh hoạt chi bộ ở xã An Thắng. (Ảnh PHƯƠNG THẢO)

Xây chắc gốc của mọi việc

Tháng 4/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đáp ứng với yêu cầu giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 10).

Kết quả thực hiện cho thấy, trong tổng số 16 mục tiêu đã được triển khai thực hiện, có bảy chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, còn chín mục tiêu chưa đạt.

Những vấn đề hạn chế căn cốt, kéo dài đã được thẳng thắn chỉ ra, như: một số khâu trong công tác cán bộ vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, đánh giá cán bộ chưa phản ánh thật chính xác, toàn diện chất lượng của cán bộ. Quy hoạch cán bộ ở một số đơn vị, địa phương còn khép kín.

Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị còn ít, cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch và trong lãnh đạo ở một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm.

Chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ có nơi, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức tổ chức kỷ luật, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao…

Thực tiễn này đặt ra đòi hỏi rất lớn cho Bắc Kạn trong việc đổi mới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.

Dù đây là việc thường xuyên nhưng đổi mới thế nào để hiệu quả là bài toán khó. Sau rất nhiều bàn thảo, tháng 8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 17).

Nếu như Nghị quyết 10 chỉ giải quyết vấn đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thì Nghị quyết 17 đã có thêm nội dung nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đồng thời chú trọng tới đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Điều này xuất phát từ việc cán bộ, đảng viên có tốt thì chi bộ, tổ chức mới tốt và ngược lại, chi bộ, tổ chức vững thì cán bộ, đảng viên mới yên tâm gắn bó.

Đối với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết 17 đã chỉ rõ nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, hiệu quả đánh giá cán bộ; quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Đồn Hoàng Văn Lăng, sau ba năm thực hiện Nghị quyết 17, công tác cán bộ của huyện đã có nhiều chuyển biến. Đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý các cấp cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ. Công tác kiểm tra, giám sát và công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được quan tâm thực hiện, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường.

Nâng cao chất lượng trên cơ sở kế thừa, phát huy những bài học, kinh nghiệm, đổi mới đã được khẳng định là điều được tỉnh Bắc Kạn chú trọng.

Khi thực hiện Nghị quyết 10, một bài học kinh nghiệm, sáng tạo tốt đã được ghi nhận là việc tuyển chọn cán bộ để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý thông qua trình bày chương trình hành động và thực hiện quy trình lựa chọn nhân sự có số dư; đổi mới cách đánh giá chất lượng cán bộ quy hoạch thông qua việc tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức và sát hạch đối với cán bộ trong quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Nghị quyết 17 đã kế thừa đổi mới này và đang tiếp tục tạo ra hiệu quả gắn với sự minh bạch, công khai.

Theo cách làm này, từ năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử 404 đồng chí; trong đó, điều động, bổ nhiệm 84 đồng chí; bổ nhiệm 42 đồng chí; bổ nhiệm lại 51 đồng chí; chỉ định, giới thiệu ứng cử, tái cử 227 đồng chí.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau ba năm thực hiện Nghị quyết 17, đã có 98,09% cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, vượt 3,09% so với mục tiêu đề ra.

Bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ

Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ ở các cấp, ngành của tỉnh Bắc Kạn đã được thực hiện thường xuyên, trở thành nền nếp và bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên, quy hoạch cán bộ cấp dưới là căn cứ để làm quy hoạch cấp trên.

Cơ bản thực hiện được phương châm “động” và “mở”, nguồn cán bộ quy hoạch đã được mở rộng giữa các cấp, ngành, từng bước khắc phục được tình trạng khép kín trong quy hoạch cán bộ.

Cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch đều được các cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, đánh giá bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, uy tín và đều được thẩm định về lý lịch, tiêu chuẩn chính trị theo quy định.

Tỉnh bảo đảm đủ số lượng từ hai đến ba người cho một chức danh quy hoạch, hệ số quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ đều đạt từ 1-1,5 lần so với số ủy viên đương nhiệm.

Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được quy hoạch tương đối phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện tốt việc kết hợp giữa ba độ tuổi, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ so với khóa trước.

Thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt không phải người địa phương tại Bắc Kạn, đến nay cấp tỉnh của Bắc Kạn có đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không là người địa phương.

Cấp huyện có 5/8 Bí thư cấp ủy; 3/8 Phó Bí thư Thường trực; 4/8 Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; 2/8 Chủ tịch Hội đồng nhân dân không là người địa phương. Cấp xã có 36/108 Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn không là người địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện theo quy định. Riêng năm 2023, cấp ủy các cấp kiểm tra đối với 239 tổ chức đảng và 1.283 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với chín đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 125 tổ chức đảng và 416 đảng viên. Thi hành kỷ luật 67 đảng viên; đình chỉ sinh hoạt hai đảng viên; đình chỉ sinh hoạt cấp ủy một đảng viên.

Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một tổ chức đảng và 20 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 182 tổ chức đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ thi hành kỷ luật đảng đối với 43 tổ chức đảng; kiểm tra việc thu, chi ngân sách một tổ chức đảng; kiểm tra việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với 120 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề 135 tổ chức đảng và 224 đảng viên.

Thi hành kỷ luật 32 đảng viên; đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 19 đảng viên.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Kạn Lường Đức Thắng, kinh nghiệm và cách làm hay là tăng cường công tác nghiệp vụ, như: kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, xử lý đơn thư, khai thác thông tin từ báo chí để khảo sát, xác minh và phát hiện.

Theo cách này, đến nay, Ban đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành xác minh, giải quyết, điều tra làm rõ tám vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và mười vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự.

Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực lượng hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo phương châm liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị… Chất lượng đánh giá thực chất hơn theo phương thức kết hợp định tính và định lượng.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau ba năm thực hiện Nghị quyết 17, hạn chế còn tồn tại là công tác chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý còn yếu, vẫn còn có người đứng đầu, đảng viên bị xử lý kỷ luật.

Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị.

Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa nhiều, đặc biệt là các lớp cập nhật kiến thức. Phương pháp giảng dạy còn nặng về lý luận, thời gian trao đổi chưa nhiều, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn chưa sinh động.

Vì vậy, có các chỉ tiêu trong Nghị quyết 17 đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, như: tỷ lệ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý dưới 40 tuổi đạt từ 5% trở lên; có từ 35% cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn thạc sĩ và tương đương trở lên…

Để khắc phục những bất cập, hạn chế này và thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác tạo nguồn, ưu tiên bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào quy hoạch, gắn tạo nguồn cán bộ với sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ.

Cấp ủy, tổ chức đảng kiểm điểm và đánh giá, xếp loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị đúng theo quy định; chủ động rà soát các đối tượng thuộc diện quy hoạch, đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương gắn với công tác bố trí, sử dụng cán bộ.