Chuyện kể rằng có hai vợ chồng ở thôn Pác Sen, xã Xuân Dương hết mực thương yêu nhau. Ngày nọ, hai vợ chồng cùng nhau ra đồng, chồng phát cây ở cuối ruộng, vợ cuốc đất đầu ruộng.
Khi mặt trời đứng bóng, người chồng mới thôi chặt cây, phát cỏ để gọi vợ về nghỉ, nhưng không nghe được tiếng trả lời của vợ, chỉ nghe tiếng núi đồi vọng lại.
Tìm mãi chẳng thấy vợ đâu, khi tới đầu ruộng, chỉ chỉ thấy cây cuốc vứt chỏng chơ, cỏ cây gẫy, nát. Sau này người chồng mới hay, một tên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy.
Trình diễn hát Sli dưới bến sông. |
Sau này, nàng có dịp trở lại quê, vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa vì mỗi người đều đã yên bề gia thất.
Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Cảm động trước tình cảm của những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau nên mọi người đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa và chọn thửa ruộng dài (theo tiếng dân tộc Tày là Nà Rì) của vợ chồng nhà nọ làm nơi tụ họp, đó là ngày 25/3 Âm lịch.
Ruộng dài (Nà Rì) sau này cũng trở thành tên của cả huyện Na Rì (Nà Rì đọc chệch thành Na Rì) ngày nay.
Lễ hội “Chợ tình Xuân Dương” năm nay lần đầu tiên được Ủy ban nhân dân huyện Na Rì tổ chức ở quy mô cấp huyện, cũng là lần đầu tiên thời gian diễn ra trong ba ngày (từ 12 đến 14/5).
Lời mời của huyện Na Rì với du khách gần xa dịp này là: "Tháng Ba, khi cái lạnh còn vương vấn nương đồi, mời bạn về với Xuân Dương, Na Rì để hòa mình trong sắc màu vùng cao với điệu Sli sâu lắng, tiếng Then mượt mà, chuếnh choáng men rượu ngô và tình người nồng thắm. Chợ tình đã sẵn sàng "để cho người cũ tìm về với duyên xưa".
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thăm hỏi, động viên thành viên ban tổ chức và người dân tham gia lễ hội. |
Sau lễ khai mạc, du khách gần xa được đắm mình trong những điệu hát Sli do người dân ở Xuân Dương trình diễn tại bến sông. Hát Sli là điểm nổi bật ở “Chợ tình Xuân Dương”. Thể dân ca của người Nùng ở Xuân Dương này đã được công nhận nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đây là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa một bên nam và một bên nữ, thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện. Không gian diễn xướng của loại hình này cũng khá đa dạng, phong phú, có thể ở giữa những ruộng lúa xanh, trên đồi cỏ, dưới bến sông…
Tại lễ hội còn diễn ra các hoạt động trình diễn trang phục dân tộc; thi đấu bóng chuyền; trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản; thi cắm trại; tổ chức các trò chơi dân gian; triển lãm ảnh.
Ngày 14/5, lễ hội sẽ tổ chức hội thi ẩm thực, chấm thi hội trại, tổ chức các trò chơi dân gian, tiếp tục thi đấu bóng chuyền.
Trước đó, trong tối ngày 12/5, lễ hội đã mở màn bằng chương trình nghệ thuật do Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn.