Trước năm 2021, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp là điều nan giải với chính quyền Bắc Kạn. Trước tình hình này, tháng 4/2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết đi vào cuộc sống đã tạo nên chuyển biến rõ rệt. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, từ việc xếp cuối bảng cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), đến năm 2021, chỉ số này của Bắc Kạn đã xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố, tăng năm bậc so với năm 2020.
Trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2021, tỉnh Bắc Kạn tăng 8 bậc (từ vị trí thứ 59 năm 2020 lên vị trí thứ 51); các chỉ số nhân lực số, hoạt động kinh tế số đều nằm trong Top 20, hạ tầng số nằm trong Top 30.
Từ thành công bước đầu, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện các giải pháp cải cách mạnh mẽ, triệt để thủ tục hành chính với phương châm “chính quyền phục vụ”.
Tháng 4/2024, theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2023), Bắc Kạn đạt 84,24 điểm, tăng 4 bậc, xếp thứ 57 trong bảng xếp hạng toàn quốc (năm 2022 Bắc Kạn đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố).
Kết quả này chưa cao so với một số tỉnh, thành trong khu vực nhưng là thành công với Bắc Kạn khi biết rằng, tại thời điểm năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng 1 bậc chỉ số cải cách hành chính.
Nhiều chỉ số thành phần quan trọng đã được Bắc Kạn cải cách và cải thiện đáng kể. Đáng chú ý là chỉ số cải cách thủ tục hành chính tăng 44 bậc so với năm 2022, xếp thứ 15 trong cả nước với 99,23 điểm. Bắc Kạn đạt 92,52 điểm về tổ chức bộ máy, xếp thứ 24; đạt 93,64 điểm về cải cách thể chế, xếp thứ 32.
Hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: HƯƠNG LAN) |
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số Bắc Kạn xếp thứ 39. Chỉ số công tác chỉ đạo điều hành xếp thứ 46. Chỉ số cải cách chế độ công vụ, Bắc Kạn xếp thứ 47. Về cải cách tài chính công, Bắc Kạn xếp thứ 48.
Cải cách hành chính hiệu quả góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư cho Bắc Kạn. Nếu như năm 2018, Bắc Kạn đứng thứ 60 về chỉ số PCI, thì năm 2022 tỉnh đã đột phá vươn lên thứ hạng 35/63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 176 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng; có 117 doanh nghiệp và 73 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.398 doanh nghiệp, 420 hợp tác xã.
Mặc dù có sự tăng điểm, tăng bậc, nhưng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh chưa cao so với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước. Điều này đòi hỏi địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực thực hiện 3 trọng tâm. Đó là: thông tin cung cấp cho người dân phải đầy đủ, dễ hiểu, dễ thấy, dễ tìm; cán bộ, công chức, viên chức phải “tận tụy, trách nhiệm, ân cần, chu đáo”; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin.
Toàn tỉnh quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện cải cách hành chính gắn với thực hiện chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt chỉ đạo, quán triệt để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai các chính sách liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân.
Cơ quan, địa phương phải thường xuyên học hỏi, tham khảo các kinh nghiệm hay, mô hình sáng tạo để triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Có các giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào tiến trình cải cách hành chính và giám sát chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách hiệu quả, thiết thực…
Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 90% trở lên. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ, nâng dần vị trí xếp hạng PCI, trung bình mỗi năm tăng ít nhất một bậc trên bảng xếp hạng, hướng tới nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá của cả nước.