Bắc Giang nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm OCOP

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Song hành với chú trọng phát triển số lượng, việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm không ngừng được quan tâm. Nhờ đó, nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhiều sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nâng tầm sản phẩm

Tại huyện Lục Ngạn, địa phương có sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh Bắc Giang với 44 sản phẩm đạt ba sao trở lên (trong đó bốn sản phẩm bốn sao, một sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận năm sao). Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhờ có nhiều sản vật, làng nghề và nông nghiệp đặc trưng cho nên địa phương đã biết khai thác lợi thế này trong chương trình OCOP. Tuy nhiên, không vì chạy theo số lượng, thành tích mà huyện bỏ qua khâu chất lượng sản phẩm. Điều này được thể hiện ở chỗ nhiều sản phẩm được chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao và đạt chứng nhận chất lượng ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...

Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi hơn, được giới thiệu, bày bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các sàn thương mại điện tử. Năm nay, Lục Ngạn đề ra mục tiêu có ít nhất 50 sản phẩm OCOP. Trong đó khoảng 40% đã qua sơ chế, chế biến, chế biến sâu và khoảng 80% số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt các chứng nhận chất lượng; 90% số sản phẩm OCOP tham gia vào các kênh bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử...

Tương tự, đến nay huyện Yên Thế có 33 sản phẩm được công nhận OCOP từ ba sao trở lên. Các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường và phù hợp yêu cầu thị trường. Theo ông Lương Văn Hiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau khi được công nhận OCOP, những sản phẩm này đã gia tăng cả giá trị, quy mô sản xuất, doanh thu cho chủ thể. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP của huyện để đưa vào hệ thống phân phối. Chuỗi sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế đã được phân phối trong hệ thống siêu thị tại Hà Nội cùng nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh... “Cơ bản sản phẩm OCOP của huyện đã gắn với chỉ dẫn địa lý có đầy đủ minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã bao bì, tem truy xuất, câu chuyện sản phẩm. Một số sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như HACCP, VietGAP từ đó đã nâng tầm nông sản địa phương, điển hình như: Gà đồi Yên Thế, chè xanh bản Ven, dầu thực vật Đại An...”, ông Lương Văn Hiến cho biết.

Mỗi sản phẩm là một “đại sứ của địa phương”

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 290 sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên. Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP đều có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hơn 60% chủ thể có doanh thu tăng bình quân hơn 15%/năm, qua đó đưa Bắc Giang trở thành một trong những địa phương của khu vực miền núi phía bắc và cả nước có nhiều sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển sản xuất sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Đó là cơ sở hình thành chuỗi sản phẩm OCOP có chất lượng, góp phần giúp nông nghiệp Bắc Giang phát triển toàn diện.

Nhiều sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn, đã được xuất khẩu trực tiếp như một số sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, giấm Kim Ngân, bánh nông sản Bình Minh... Đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.

Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn còn ít sản phẩm chế biến sâu, quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến tính cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ hẹp, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm đúng mức. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Một số chủ thể sản xuất chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm.

Bên cạnh đó, do quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có ít nhất một sản phẩm OCOP đã tạo tâm lý phải có bằng được để đáp ứng tiêu chí dẫn tới có địa phương phát triển sản phẩm chưa thật sự đủ điều kiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và niềm tin vào chương trình. Theo ông Nguyễn Văn Luy, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, với phương châm “mỗi sản phẩm phải là đại sứ của địa phương”, ngành nông nghiệp Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện sản phẩm; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng và công bố chất lượng sản phẩm.

Quan điểm của tỉnh Bắc Giang là không chạy theo thành tích mà công nhận sản phẩm không đáp ứng tiêu chí. Cùng đó, địa phương tiếp tục tập trung hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP về tiền thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, xây dựng website thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực, đưa lao động trẻ về làm việc... ■