Bắc Cực là một khu vực đặc biệt của Trái đất, bao gồm các vùng phía bắc lục địa Á - Âu, Bắc Mỹ và gần như toàn bộ khu vực Bắc Băng Dương với rất nhiều đảo và bán đảo, có tổng diện tích vào khoảng 27 triệu km2, gần gấp ba lần diện tích châu Âu. Trung tâm của khu vực Bắc Cực là biển Bắc Băng Dương với diện tích 14,75 triệu km2.
Với tài nguyên và vị trí địa - chiến lược quan trọng của Bắc cực, khu vực chưa được khai phá này của Trái đất đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, bởi quá trình ấm lên toàn cầu diễn ra nhanh chóng trong những thập niên gần đây đang thu hẹp dần lớp băng từng được coi là "vĩnh hằng" tại đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể khai thác Bắc Cực vào mục đích thương mại. Trước đây, lớp băng dày vĩnh cửu đã hạn chế tham vọng của các quốc gia và các công ty khai thác tài nguyên. Theo số liệu của các công trình nghiên cứu gần đây, mức độ tan băng ở vùng Bắc Cực diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo.
Kể từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, diện tích những biển băng ở Bắc Cực đã giảm từ tám triệu km2 xuống còn bốn triệu km2. Nó đã giải phóng lượng nước bằng cả diện tích nước Ấn Ðộ, làm thay đổi cuộc sống của nhiều loài động thực vật cũng như khoảng 100.000 thổ dân sinh sống tại các vùng Alaska (Mỹ), Canada, Grin-len (Ðan Mạch) và Xi-bia (Nga). Tuy nhiên, một số quốc gia lại thấy những mối lợi mới hiện ra từ việc băng tan. Ðó là việc khai thác dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyên khoáng sản khác trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trong tương lai không xa, các giàn khoan và khai thác dầu mỏ sẽ bắt đầu hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực, trong khi đó, chủ quyền quốc gia lại chưa được xác nhận về mặt pháp lý đối với nhiều vùng lãnh thổ ở Bắc Cực.
Về trữ lượng, dầu mỏ ở Bắc Cực không hề thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới. Một dự báo do Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) công bố mới đây cho thấy, riêng khu vực phía bắc của vành đai Bắc Cực đã chứa lượng dầu tương đương 412 tỷ thùng, gần bằng một phần tư trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên Nga, trên diện tích 6,2 triệu km2 ở Bắc Cực tập trung nguồn dự trữ 15,5 tỷ tấn dầu mỏ và 85,4 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên, trong đó Xtốc-ma-nốp là mỏ dầu và khí đốt nổi tiếng nhất nằm ở phần thềm lục địa của Nga ở khu vực biển Ba-ren, có trữ lượng khoảng 3,7 nghìn tỷ m3 khí đốt và khoảng 11 triệu tấn khí hóa lỏng. Ngoài ra, trong số tài nguyên sinh học của thềm lục địa ở Bắc Cực còn phải kể đến nguồn dự trữ cá lớn hàng đầu thế giới. Trên khu vực này còn có tuyến giao thông đường biển đi qua Bắc Cực có vai trò cực kỳ quan trọng với khả năng vận tải xuyên quốc gia.
Năm 1982, Công ước của LHQ về luật biển xác định các đường biên giới cần phải đi qua thềm lục địa ở Bắc Băng Dương. Theo Công ước này, ranh giới vùng kinh tế của các quốc gia ven biển Bắc Băng Dương được xác định trong phạm vi 200 hải lý (370 km), tính từ lục địa và các đảo. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Liên Xô, Na Uy, Ðan Mạch, Mỹ và Canada đã từng coi một số vùng mặt nước và đảo trong khu vực Bắc Cực là một phần lãnh thổ của họ. Nga từng tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực lớn nhất được tạo bởi Chu-cốt-ca, Bắc Cực và bán đảo Côn-xki. Trên các bản đồ tự nhiên của Liên Xô, khu vực này từng được coi là một phần lãnh thổ của Liên Xô. Hiện nay, nước Nga đang nỗ lực chứng minh quyền của họ đối với phần lãnh thổ mà trước đây Moscow từng tuyên bố chính thức là thuộc quyền sở hữu của họ. Năm 2007, có hai đoàn thám hiểm của Nga tới làm việc ở Bắc Cực để thu thập số liệu chuẩn bị cho một bản báo cáo gửi Ủy ban LHQ về thềm lục địa. Nga cũng đang chuẩn bị nội dung cho bản tuyên bố về chủ quyền của họ đối với dãy núi ngầm mang tên Lomonosov nằm ngoài phạm vi 200 hải lý. Theo đánh giá sơ bộ, khu vực này chứa 4-9 tỷ tấn nhiên liệu quy đổi. Dự kiến, LHQ sẽ xem xét bản báo cáo này của Nga trong năm nay. Ðội thám hiểm Bắc Cực thứ hai của Nga đã lặn xuống đáy đại dương và cắm quốc kỳ của Nga được chế tạo từ một loại hợp kim ti-tan siêu bền lên đáy đại dương ở Bắc Cực.
Mỹ và Canada đã phản ứng mạnh mẽ đối với hành động của Nga cắm quốc kỳ của mình trên đáy biển Bắc Băng Dương. Phía Mỹ cho rằng, các yêu sách về chủ quyền của Nga ở Bắc Cực là "rất nghiêm trọng". Chưa đầy hai tháng sau cuộc chinh phục đáy đại dương ở Bắc Cực, Chính phủ Mỹ cho công bố một văn kiện mang tựa đề "Chiến lược hợp tác về hải quân trong thế kỷ 21", trong đó đưa ra lời cảnh báo về khả năng sẽ xảy ra xung đột quân sự liên quan hoạt động tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa nhiều quốc gia có lãnh thổ nằm gần kề khu vực đặc biệt này của Trái đất. Trong chiến lược mới của Mỹ còn khẳng định: "Bắc Cực sẽ là một trong những thách thức nghiêm trọng trong kỷ nguyên mới của loài người".
Báo Thương gia (Nga) cho biết, chiến lược mới đối với khu vực Bắc Cực do Hội đồng An ninh quốc gia Nga soạn thảo bao gồm các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối với Bắc Băng Dương, nhằm tham gia khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tại khu vực này đã được phê chuẩn và được công bố vào cuối tháng 1-2009. Dự thảo Chiến lược có đoạn viết: "Trọng tâm của chính sách quốc tế trong tương lai gần sẽ tập trung vào việc sở hữu quyền sử dụng các nguồn năng lượng, trong đó có các nguồn năng lượng tại thềm lục địa biển Baren cùng một số khu vực khác ở Bắc Cực... Trong điều kiện cạnh tranh các nguồn năng lượng, không loại trừ khả năng có những quyết định cứng rắn được đưa ra, nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh - điều có thể phá vỡ sự cân bằng sức mạnh gần biên giới của LB Nga".
CÁC quốc gia khác cũng bắt đầu hành động. Mỹ đã có ý định đầu tư 8,7 tỷ USD để sửa chữa và hiện đại hóa các tàu phá băng ven bờ. Washington đang chuẩn bị phê chuẩn Công ước biển của LHQ để có được quyền phát ngôn trong việc giải quyết các vấn đề về thềm lục địa. Canada đang đầu tư những khoản tiền lớn để chế tạo tàu tuần tra ở Bắc Cực và bắt đầu nói đến việc lắp vũ khí pháo binh lên các tàu phá băng hiện có. Tuy nhiên, các tàu của Mỹ và Canada chưa thể cạnh tranh được với hạm đội của Nga ở Biển Bắc. Na Uy tuy chưa có hạm đội tàu phá băng, nhưng lại có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở thềm lục địa ở Biển Bắc. Ðan Mạch cũng không dễ dàng gì trong việc tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên các luận chứng về kinh tế và sự hiện diện về quân sự.
Ngày 14-1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tuyên bố "Khu vực này (Bắc cực) là lợi ích chiến lược lâu dài đối với NATO cũng như nằm trong kế hoạch an ninh của các nước trong liên minh". Cuối năm 2008, EU đã khẳng định, các nguồn tài nguyên tại khu vực này có thể làm giảm những lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu trong tương lai.