Nhà hộ nghèo tái tạm
Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ- TTg, ngày 28-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được Nhà nước hỗ trợ tám triệu đồng, doanh nghiệp giúp đỡ năm triệu đồng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ năm triệu đồng, vay tám triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, toàn tỉnh có 2.629 hộ nghèo được xoá nhà tạm. Theo khảo sát của nhiều cơ quan chức năng, những ngôi nhà này đều rộng từ 25 m2 trở lên, nền và tường được “cứng hoá”. Tổng kết thực hiện Quyết định 167, lãnh đạo tỉnh tuyên bố : Bắc Cạn xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo vào giữa năm 2011. Tuy nhiên, thực tế thì chưa phải như vậy.
Nhà bà Trương Thị Bói, người dân tộc Sán Chí ở thôn Nà Thiêm, xã Giáo Hiệu, huyện Ba Bể nằm vất vưởng, kẹp giữa hai con đường, bên trên là tỉnh lộ 258B cao bằng mái nhà, bên dưới là đường dân sinh xuống cầu treo Nà Thiêm, từ con đường dân sinh này phải leo dốc thì mới vào được nhà bà Bói. Trên diện tích nhỏ hẹp, nhưng không được bằng phẳng, gia đình bà Bói phải dùng những đoạn tre ken lại, một bên dùng xà đỡ cao hơn mặt đất một mét, bên còn lại gác lên sườn đất lấy mặt bằng để dựng căn nhà mái lá, tường bằng ván gỗ tạp quây lại, ngay bên cạnh là chuồng nuôi lợn bốc mùi hôi thối. Thế mà gia đình bà Bói đã phải sống trong căn nhà này nhiều năm nay. Bà Bói tâm sự: “Mẹ con tôi từ lâu đã muốn chuyển nhà đến chỗ khác, nhưng ngặt nỗi là nghèo quá nên không mua được đất, mà giả thử có đất thì cũng không lấy gì để làm nhà. Mấy năm trước Nhà nước hỗ trợ năm triệu đồng, tôi không có tiền bỏ thêm vào nên chỉ làm được thế thôi”.
Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu Hoàng Văn Vanh giải thích: “Năm 2006 gia đình bà Bói được hỗ trợ năm triệu đồng từ Chương trình 134 để xoá nhà tạm rồi nên chúng tôi không đưa vào diện hỗ trợ xoá nhà tạm theo Quyết định 167 nữa. Hiện nay trên địa bàn xã còn hàng chục hộ nghèo nữa cũng đang phải sống trong những ngôi nhà dột nát như thế mà không có kinh phí để thay thế”. Khi được hỏi sao xã không bố trí hỗ trợ gia đình bà Bói một chỗ ở cho rộng rãi, bằng phẳng, lãnh đạo xã Giáo Hiệu cho biết, xã không có đất, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ một nội dung thôi, đã được hỗ trợ làm nhà rồi thì thôi hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất ở thì thôi hỗ trợ xoá nhà tạm.
Cần mở rộng đối tượng hỗ trợ
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Cạn Ma Xuân Thu giải thích thêm : “Quyết định 167 quy định, gia đình nào đã được hỗ trợ xoá nhà tạm từ các chương trình trước đó thì không hỗ trợ nữa, nhà bà Bói chỉ là một thí dụ”.
Thực hiện Quyết định 134/ QĐ - TTg, từ năm 2004 đến năm 2008 tỉnh Bắc Cạn xoá được 6.172 nhà tạm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ năm triệu đồng/ hộ. Nhưng những năm đó chưa có phong trào xã hội hoá, các ngành, các cấp vào cuộc giúp hộ nghèo xoá nhà tạm như ba năm gần đây nên một hộ nghèo chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn năm triệu đồng nên chỉ làm được căn nhà nhỏ, mái lợp lá, tường bưng ván gỗ tạp, hoặc trát đất, nền đất nên sau một thời gian ngắn là xuống cấp, tái tạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Văn Du cho biết: “Mấy năm qua lạm phát, vật giá leo thang ; dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên miên trên địa bàn tỉnh đều tác động trực tiếp đến hộ nghèo, nhiều hộ tái nghèo. Mặt khác, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chủ yếu là thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn nên trong số 6.172 hộ nghèo được hỗ trợ xoá nhà tạm theo Quyết định 134, đến nay rất ít hộ thoát được nghèo để làm được nhà mới. Trong khi đó Quyết định 134 hỗ trợ nhà tạm đến nay đã xuống cấp, tái tạm lâu rồi mà không có chính sách nào hỗ trợ”.
Quyết định 167 là một chính sách an sinh xã hội, tạo ra tiền đề để hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”. Ông Ma Xuân Thu kiến nghị: “Là một chính sách an sinh xã hội, Quyết định 167 cần mở rộng diện hỗ trợ, cụ thể là những hộ nghèo được hỗ trợ theo Quyết định 134 đến nay nhà đã dột nát; nhiều hộ cận nghèo mà thực chất vẫn là hộ nghèo, vì mức thu nhập của họ chỉ nhỉnh hơn hộ nghèo vài ba nghìn đồng/ tháng, đang phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ cũng cần được hỗ trợ làm nhà. Chúng tôi đang rà soát, tổng hợp lại, tới đây có kiến nghị với Đảng và Nhà nước để có giải pháp cụ thể nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo ra những nền tảng để hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở miền núi vốn thiệt thòi có điều kiện xoá đói giảm nghèo bền vững”.