Ba thế hệ giữ lửa “nghề đưa đò”

Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo luôn lấy cốt cách làm trọng, lấy sự thành đạt của học trò làm niềm vui cho mình. Vì thế, dù cuộc sống có lúc rất vất vả nhưng những người thầy ở thời đại nào cũng có được niềm vui, hạnh phúc. Gia đình nhà giáo Hoàng Kim Thởi, ở phường Long Phước, thị xã Phước Long (Bình Phước) là một thí dụ điển hình.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy Thởi cùng vợ và con gái, cũng là đồng nghiệp nghề giáo.
Thầy Thởi cùng vợ và con gái, cũng là đồng nghiệp nghề giáo.

Vượt khó theo đuổi ước mơ

Nói về cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Hoàng Kim Thởi cho biết: “Hồi học cấp 2 ở quê (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tôi rất thần tượng một thầy giáo dạy môn Toán. Người thầy này làm gì cũng giỏi, đứng lớp dạy học trò giỏi, làm chủ nhiệm lớp giỏi rồi làm quản lý giáo dục cũng giỏi. Từ đó, tôi đam mê nghề giáo và quyết tâm học tập chăm chỉ để sau này làm thầy giáo”.

Theo lời thầy giáo Thởi kể, đất Quảng Bình đã nghèo, nhưng làm ông giáo lại càng nghèo hơn. “Ngày xưa nghề giáo được xã hội rất quý trọng, nhưng thường là nghèo. Có những năm tháng rất khó khăn, lương chỉ “cao hơn mặt đất”, tiền một tiết dạy tính ra không đủ mua ly đá chanh, nhiều bữa ăn cơm độn khoai lang, sắn, bo bo. Có khi ba tháng mới được nhận lương, nhận xong lại đi trả nợ, vì trước đó đi mượn để trang trải, chi tiêu hằng ngày.

Do đó, cuộc sống luôn khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhất với nghề giáo viên là từ năm 1984 đến 1990. Giai đoạn này, rất nhiều người bỏ nghề để ra ngoài làm vì không đủ sống. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp chuyên môn rất giỏi, được học trò, cha mẹ học sinh rất kính trọng, quý mến nhưng đành bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn. Không ai muốn bỏ nghề, vì cuộc sống mà thôi”, thầy giáo Thởi tâm tư nhớ lại.

Nói về những ngày tháng vượt khó giữ ngọn lửa đam mê, thầy Thởi cho rằng, ngoài chuyên môn, kỹ năng tốt thì người làm nghề giáo còn cần phải có lòng đam mê, nhiệt huyết, phải luôn thương yêu học trò, phải có lập trường vững chắc và kiên định với lý tưởng đã chọn. Người thầy không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, nhiệt huyết mà quan trọng là phải gieo được vào tâm hồn học trò niềm say mê, tự giác trong học tập, khát vọng vươn lên.

Gia đình thầy giáo Thởi hầu hết theo ngành giáo dục. Vợ thầy là cô Lê Thị Diệu, năm nay 75 tuổi, cũng có hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo cho đến khi về hưu, trong đó hơn 15 năm “gõ đầu trẻ”, còn lại làm công tác văn phòng ở các trường mầm non. “Tôi vẫn xem nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Diệu tự hào nói.

Tiếp nối truyền thống, hai người con gái của vợ chồng thầy Thởi cũng chọn nghề giáo theo cha mẹ. Cô giáo Hoàng Thị Thanh năm nay cũng gần bước sang tuổi 50, hiện là lãnh đạo Trường mầm non Long Phú (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) và cô giáo Hoàng Thị Tuyết, 45 tuổi, đang công tác tại Trường tiểu học Trương Vĩnh Ký (phường Long Phước, thị xã Phước Long). Cả hai cô cũng đã có hơn 20 năm theo ngành giáo dục.

Ngoài hai người con, thầy Thởi còn có năm người cháu hiện cũng đang dạy học tại các trường học ở thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng. “Hồi nhỏ, chị em tôi thường được cha mẹ chở theo đến trường học. Ở nhà hai người là cha mẹ nhưng đến lớp cha mẹ chúng tôi lại là thầy, cô giáo. Suốt những năm tháng ấy không chỉ gieo vào lòng chúng tôi niềm đam mê của nghề giáo mà còn tự hào về cha mẹ mình. Chúng tôi yêu nghề giáo từ khi nào không biết và tiếp bước nghề của cha mẹ”, cô giáo Hoàng Thị Thanh chia sẻ.

Tâm tư về nghề giáo

Tâm sự về nghề, thầy giáo Thởi trăn trở: “Ngày xưa, gặp thầy từ xa là học trò khoanh tay cúi đầu chào lễ phép, còn giờ ở đâu đó vẫn có những học trò gặp thầy giáo, cô giáo dạy mình mà thiếu đi cử chỉ này. Mặc dù không còn đứng lớp nhưng tôi cảm thấy chạnh lòng. Tôi nghĩ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không thể được xem nhẹ”.

Thầy Thởi chia sẻ về một số bất cập trong chương trình giáo dục hiện nay, như: Công tác giáo dục-đào tạo còn nặng về lý thuyết, xa rời thực tế; dụng cụ, trang thiết bị, thời gian dành cho thực hành còn thiếu, còn ít. Nhiều học trò sau khi tốt nghiệp ra trường vào cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức làm còn bỡ ngỡ, có khi không hoàn thành công việc được giao. Điều này, do các em không được va chạm với cuộc sống, thiếu kỹ năng thực hành. Trước đây, đất nước còn nghèo thì phải chấp nhận, nay Nhà nước đầu tư cho giáo dục rất lớn; do đó, cần phải thay đổi tư duy để học thật sự đi đôi với hành. Đây là điều quan trọng cần sớm được thay đổi.

Thầy Thởi tự hào vì có nhiều học trò thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Từ kiến thức, bầu nhiệt huyết, ngọn lửa do thầy truyền đạt, nhiều học trò đã đảm đương những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước hoặc làm chủ doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Một điều thầy Thởi phấn khởi nữa là hiện nay lương của giáo viên đã được cải thiện nhiều, có thể an tâm dạy học.

Trong buổi nói chuyện với chúng tôi, thầy Thởi nhiều lần nhắc đến câu “Tiên học lễ, hậu học văn” và thầy nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Thầy Thởi cũng rất thấm thía với câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo.

Thầy Thởi đi dạy học từ năm 1965 đã trải qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục, với 41 năm tuổi nghề, trong đó có 17 năm đứng lớp, 11 năm làm công tác tổ chức trong ngành, 13 năm làm hiệu trưởng. Ghi nhận những công lao đóng góp, thầy giáo Hoàng Kim Thởi được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.