Bà Rịa-Vũng Tàu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logictics của khu vực

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các lợi thế để phát triển thành trung tâm logistics của khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung nguồn lực, dành quỹ đất, mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm, tiềm lực, đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết: Không chỉ là điểm đến của các hãng tàu lớn trên thế giới, hiện các công ty giao nhận, khai thác kho bãi, các nhà phân phối lớn cũng đã đầu tư tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Sớm hoàn thiện kết nối hệ thống giao thông vùng

Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Đáng chú ý, từ năm 2012 đến nay, nước ta đã dần cân bằng cán cân thương mại và bắt đầu xuất siêu. Nếu năm 2010 mới chỉ có 20 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32 mặt hàng… Với quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, kim ngạch xuất khẩu tăng hằng năm, đòi hỏi dịch vụ logistics phải phát triển tương xứng. Theo quy hoạch tổng thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ là những trung tâm logistics lớn của cả khu vực. Việc kết nối hệ thống giao thông giữa các địa phương, các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trong vùng với các trung tâm logistics quyết định quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bà Rịa-Vũng Tàu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logictics của khu vực -0

Cùng với hệ thống cảng biển, việc phát triển và hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu cần cảng, phát triển trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung... là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, từ lâu, hệ thống giao thông kết nối vùng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu vào giao thông đường bộ vốn đã quá tải, chưa kết nối hiệu quả giữa đường bộ và đường thuỷ, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải có sức chuyên chở lớn và giá cả cạnh tranh như đường sắt, đường thủy nội địa…

Thực tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với gần 50 dự án cảng biển đã đi vào hoạt động, công suất quy hoạch hơn 155 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tuyến quốc lộ 51 nối Bà Rịa-Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã nhanh chóng quá tải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định phải chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng; tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Long Sơn-Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải; xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung; thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa…

Tỉnh cũng sẽ xem xét để sớm có phương án triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải và nâng cấp toàn bộ tuyến luồng theo quy hoạch, bảo đảm độ sâu an toàn cho các tàu lớn ra vào cảng. Tăng cường cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng.

Đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi số

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Gemadept Phạm Quốc Long cũng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô và tiềm lực về tài chính còn yếu. Trong khi đó, lại thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu. Thế nên, các doanh nghiệp trong nước chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, đơn nhất trong chuỗi cung ứng với giá trị gia tăng thấp.

Để các doanh nghiệp logistics trong nước lớn mạnh, mở rộng được phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nhau, giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin để nâng cao năng lực nội tại. Và muốn làm được điều đó cần sớm hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa trong nước...

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, việc thiếu sự liên kết giữa hệ thống vận tải, thanh toán, các đơn vị vận đơn trung gian, sẽ khiến doanh nghiệp logistics trong nước nhanh chóng tụt hậu so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) Nguyễn Xuân Kỳ phân tích, logistics là ngành dịch vụ có tính khoa học và chính xác cao. Các hãng tàu lớn trên thế giới từ lâu đã số hóa mọi hoạt động của mình. Do đó, doanh nghiệp cảng trong nước không thể chậm trễ trong việc chuyển đổi số. Thực tế, với các doanh nghiệp logistics, chuyển đổi số giúp tối ưu lộ trình vận tải, giảm tình trạng tải rỗng đường về, kiểm soát hiệu quả phương tiện vận chuyển và các chi phí liên quan…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết: Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với lợi thế là của ngõ hàng hải của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả khu vực Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm xây dựng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm logistics lớn của cả khu vực.