Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ, thành lập huyện Long Đất và lấy trụ sở huyện Đất Đỏ hiện hữu là nơi làm việc.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, các xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước sáp nhập lấy tên là xã Tam An; sáp nhập xã Lộc An và xã Phước Hội thành xã Phước Hội; sáp nhập xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải, thành lập thị trấn Phước Hải. Tại thành phố Bà Rịa, sáp nhập phường Phước Hiệp và phường Phước Trung lấy tên là phường Phước Trung.
Sau sáp nhập, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị) và 77 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 5 đơn vị).
Từ ngày 25/4, đúng 7 giờ 30 phút, các Tổ lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện Long Điền đã đi đến từng hộ dân theo danh sách phân công để thực hiện lấy ý kiến đồng ý hay không đồng ý với việc sáp nhập huyện Long Điền và Đất Đỏ, cũng như việc đặt tên huyện mới là Long Đất; việc sáp nhập ba xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước thành một xã, có tên mới là xã Tam An.
Ông Phạm Văn Ba, cử tri ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người, đều đồng ý, nhất trí, mong sao khi hai huyện nhập lại trở thành huyện Long Đất thì đời sống của nhân dân được nâng cao, kinh tế ngày càng phát triển”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết: Ấp An Phước có 10 tổ dân cư, 589 hộ với 9.220 cử tri. Qua quá trình lấy ý kiến, đa số các hộ dân đều thống nhất về chủ trương này. Tuy nhiên, một số hộ dân còn băn khoăn và kiến nghị sau khi sáp nhập mong chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi làm lại các loại giấy tờ.
Còn ông Nguyễn Minh Thành, cử tri thị trấn Long Điền, huyện Long Điền băn khoăn: “Với chủ trương của Nhà nước thế này thì tôi hoàn toàn nhất trí, thấy rất phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Song, tôi cũng có một số thắc mắc, lo lắng, đó là những cơ sở vật chất của hai huyện khi nhập lại thì một số có thể dư ra, không biết địa phương có giải pháp gì để tránh lãng phí”.
Ở lần sáp nhập này, các xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước của huyện Long Điền, sẽ nhập thành một xã, lấy tên là Tam An. Ông Bùi Thế Ngọc, cử tri ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền chia sẻ: “Đây là tình hình thực tế chung trên cả nước, dân cư như thế, đất đai như vậy, quy hoạch 3 xã nhập một thì tôi cũng nhất trí với Nhà nước”.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Long Điền, sau 5 ngày khẩn trương làm việc, huyện đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri vào ngày 29/4. Cụ thể, toàn huyện có 106.839 cử tri tham gia lấy ý kiến, trong đó có 99,36% cử tri đồng ý sáp nhập huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ thành huyện Long Đất và 0,64% cử tri không đồng ý. Cùng với đó 99,69% cử tri đồng ý sáp nhập 3 xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước thành xã Tam An và chỉ có 0,31% cử tri không đồng ý.
Ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh nhằm thực hiện các chủ trương của Trung ương của tỉnh; bảo đảm quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; bảo đảm điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa và bền vững; góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính và đặt tên sau sáp nhập là phù hợp với yếu tố lịch sử, có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán, nhằm ít gây xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Sắp xếp đơn vị hành chính tuy bước đầu có làm xáo trộn cuộc sống của người dân nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương thì đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Mặt khác, việc sắp xếp góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.