Bà Rịa-Vũng Tàu chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp

Huyện Châu Đức là vùng trồng cây công nghiệp và ăn quả lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng đất có khí hậu ôn hòa, trong lành, nhiều hồ chứa nước đẹp, cảnh quan thơ mộng…, lại nằm xen giữa vùng công nghiệp tập trung lớn nhất tỉnh là thị xã Phú Mỹ và địa phương du lịch mới nổi là huyện Xuyên Mộc, cửa ngõ tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai.
0:00 / 0:00
0:00
Những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu tại Hội chợ du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.
Những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu tại Hội chợ du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đây là những yếu tố thuận lợi cho giao thương, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Tận dụng lợi thế đó, đến nay, Châu Đức đã hình thành được 10 mô hình du lịch nông nghiệp tương đối bài bản, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm những sản phẩm nông nghiệp.

Không chỉ huyện Châu Đức, trên toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 20 mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch. Những mô hình này không chỉ tạo thêm sản phẩm mới cho ngành du lịch mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Triển khai thực hiện đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, đến nay có 186 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thuê môi trường rừng.

Trong đó, Vườn quốc gia Côn Đảo có 23 doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký thuê tại 20 địa điểm; đã có sáu dự án được chấp thuận chủ trương hoặc phương án đầu tư... Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu có 85 hồ sơ dự án thuê môi trường rừng, trong đó có chín dự án đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng với diện tích hơn 425 ha, 76 dự án đang thực hiện khảo sát, lập và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng theo quy định…

Từ lâu, Bà Rịa-Vũng Tàu đã nổi tiếng về du lịch biển, nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe, du lịch hội nghị-hội thảo (MICE), du lịch thể thao, giải trí cao cấp... Tuy vậy, hiện nay, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang gặp không ít trở ngại như: Tiềm năng du lịch của tỉnh chưa được khai thác một cách hiệu quả nhất; các sản phẩm du lịch chưa hoàn chỉnh, kém độc đáo; phát triển có tính tự phát, thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm đặc sắc, thừa nghỉ dưỡng, thiếu vui chơi-giải trí…

Việc thiếu sản phẩm, dịch vụ mới, hấp dẫn (cả ban ngày lẫn ban đêm) khiến ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn trong việc níu giữ du khách lưu trú lại dài ngày cũng như khiến họ mạnh tay chi tiêu, mua sắm. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch liên tục đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, phong phú; hạ tầng giao thông cũng thuận tiện hơn với nhiều tuyến đường cao tốc đã được đưa vào hoạt động như Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Nha Trang… Những chuyển biến này đã làm giảm sút sức cạnh tranh của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu so với các địa phương có thế mạnh du lịch tương tự khác như Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc…

Xác định du lịch là một trong những trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương cho nên từ năm 2017, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện...

Từ chủ trương, chính sách đó, bên cạnh việc tập trung khai thác, phát triển, nâng cao các loại hình du lịch thế mạnh đặc trưng, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục chú trọng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Theo các doanh nghiệp du lịch, Bà Rịa-Vũng Tàu cần có thêm những sản phẩm, dịch vụ bổ trợ để kéo dài thời gian khám phá, trải nghiệm của du khách. Trong đó, tỉnh cần chú trọng đánh thức và đầu tư đúng mức cho du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch có mối quan hệ gần gũi như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm.

Trong những năm gần đây, việc tạm rời xa chốn đô thị náo nhiệt để hòa mình vào vùng nông thôn mộc mạc, thanh bình, cùng người thân trải qua những thời khắc vui vẻ giữa thiên nhiên xanh tươi, mát mẻ, thưởng thức các loại trái cây thơm ngon ngay tại vườn… đã trở thành xu hướng du lịch được nhiều người lựa chọn.

Không những giúp cải thiện, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập, đời sống mà du lịch nông nghiệp còn giúp người nông dân thay đổi lớn về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hơn thế nữa, du lịch nông nghiệp, sinh thái còn rất phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang được ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi ở nước ta và trên phạm vi toàn cầu.