Ba phi hành gia Mỹ và Nga được phóng "siêu nhanh" lên Trạm vũ trụ

NDO -

Cảnh quay trực tiếp do cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga phát sóng cho thấy, tàu vũ trụ Soyuz chở một phi hành gia Mỹ và hai phi hành gia Nga đã tiếp cận thành công Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) chỉ sau ba giờ ba phút được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan hôm 14-10.

Trạm vũ trụ quốc tế hiện có sáu phi hành gia. Các thành viên phi hành đoàn của Expedition 64 Kate Rubins, Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov (hàng trước từ trái sang) cùng các thành viên phi hành đoàn của Expedition 63 (hàng sau từ trái sang) Ivan Vagner, Anatoly Ivanishin và Chris Cassidy trên Trạm vũ trụ. Ảnh: NASA.
Trạm vũ trụ quốc tế hiện có sáu phi hành gia. Các thành viên phi hành đoàn của Expedition 64 Kate Rubins, Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov (hàng trước từ trái sang) cùng các thành viên phi hành đoàn của Expedition 63 (hàng sau từ trái sang) Ivan Vagner, Anatoly Ivanishin và Chris Cassidy trên Trạm vũ trụ. Ảnh: NASA.

Nhiệm vụ này đánh dấu lần đầu tiên phi hành đoàn sử dụng kế hoạch bay "siêu nhanh" đến trạm vũ trụ trong vòng ba giờ sau khi phóng, thay vì đi theo một chặng đường dài sáu giờ hoặc hai ngày như trước đây.

Trên chuyến bay của tàu vũ trụ Soyuz của Nga, bay cùng các nhà du hành vũ trụ Nga Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov là nữ phi hành gia của NASA Kate Rubins, một nhà vi sinh vật học, người đầu tiên giải trình tự DNA trong không gian vào năm 2016.

NASA cho rằng, sứ mệnh này là chuyến bay cuối cùng theo lịch trình của Nga chở một thành viên phi hành đoàn Mỹ, đánh dấu chấm dứt sự phụ thuộc lâu nay khi Mỹ khôi phục khả năng phóng phi hành đoàn của chính mình trong nỗ lực giảm chi phí đưa phi hành gia lên vũ trụ.

Kể từ khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011, NASA đã dựa vào Nga để chuyên chở các phi hành gia lên trạm không gian để duy trì hoạt động của các nhà du hành liên tục trong gần 20 năm.

Vào năm 2014, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã ký hợp đồng với SpaceX của tỷ phú Elon Musk và hãng Boeing để chế tạo các tàu vũ trụ thương mại. Trong khuôn khổ chương trình trị giá 8 tỷ USD này, phi hành đoàn đầu tiên của SpaceX đã được phóng thành công lên trạm vũ trụ vào tháng 5, đánh dấu chuyến bay lên vũ trụ đầu tiên từ trên đất Mỹ trong gần một thập kỷ.

Tuy nhiên, NASA đã phải tiếp tục ký hợp đồng với Nga trị giá 90,2 triệu USD để mua thêm một chỗ trong chuyến bay hôm qua vì chương trình phi hành đoàn thương mại của họ gặp phải sự chậm trễ.

NASA và Roscosmos đã cam kết tiếp tục hợp tác chia sẻ chuyến bay để đổi lấy việc đưa các phi hành gia Nga bay trên các tàu vũ trụ của Mỹ và đưa các phi hành gia Mỹ bay trên tên lửa của Nga khi cần thiết, một phát ngôn viên của Roscosmos nói với Reuters.

Người phát ngôn cho biết: “Tất nhiên, các chuyến bay chung đều quan tâm đến độ tin cậy và hoạt động liên tục của trạm ISS. Việc sử dụng các chuyến bay của phi hành đoàn hỗn hợp sẽ bảo đảm việc đưa phi hành đoàn đến trạm vũ trụ, nếu xảy ra sự cố với tàu vũ trụ của đối tác”.