Một nhóm nghiên cứu của Australia do trường Đại học Monash ở thành phố Melbourne dẫn đầu đã phân lập được một loại enzyme có thể biến một lượng nhỏ hydro có trong không khí thành dòng điện.
Nghiên cứu cho biết, loại enzyme nói trên có tên Huc, được phân lập từ loại vi khuẩn Mycobacterium smegmatis phổ biến trong đất.
Theo các nhà nghiên cứu, enzyme Huc là một loại pin tự nhiên, có thể phát triển thành nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp cho các thiết bị nhỏ.
Tiến sỹ Rhys Griter, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết khi phân lập Huc trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đặt enzyme này vào một mạch điện và nó tạo ra dòng điện.
Theo ông, chỉ có thể cung cấp năng lượng cho những thiết bị rất nhỏ theo cách này bởi vì lượng hydro trong không khí rất thấp - chỉ 0,00005%. Các vật thể lớn hơn sẽ cần một nguồn hydro bên ngoài để bổ sung thêm năng lượng điện.
Tiến sỹ Griter cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu những thứ rất nhỏ như màn hình sinh trắc học hoặc cảm biến môi trường vốn cần năng lượng bền vững. Tuy nhiên, nếu cung cấp cho enzyme nhiều hydro hơn nó sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn. Giống như pin nhiên liệu, nó có khả năng tạo ra đủ năng lượng để cung cấp năng lượng cho đồng hồ đeo tay hoặc điện thoại thông minh.
Theo Tiến sỹ Griter, các nhà khoa học mong muốn phát triển được một nguồn năng lượng không tốn kém và về cơ bản tự cung cấp năng lượng một cách thụ động từ không khí. Ông tiết lộ kế hoạch sẽ là mở rộng quy mô sản xuất enzyme và sau đó hợp tác với các kỹ sư để thiết kế các thiết bị hoạt động nhờ điện năng tạo ra từ enzyme Huc.
Tuy nhiên, ông Robert Willows thuộc Đại học Macquarie, người sở hữu một công ty năng lượng hydro mới thành lập, cho rằng ý tưởng tạo ra năng lượng từ không khí loãng là "hơi ảo tưởng" vì nó có thể khả thi đối với những thứ cần nguồn năng lượng cực kỳ nhỏ, nhưng hoàn toàn không hiệu quả đối với những vật dụng như đồng hồ đeo tay.
Enzyme là các protein có tác dụng làm chất xúc tác sinh học có thể làm tăng tốc độ phản ứng hóa học trong tế bào.