Australia, New Zealand điều máy bay hỗ trợ Tonga sau thảm họa

NDO -

Hãng Reuters đưa tin, Australia và New Zealand ngày 17/1 đã điều máy bay giám sát tới đánh giá thiệt hại tại Tonga sau các vụ phun trào núi lửa gần đây.

Tro bụi bốc lên sau một vụ phun trào núi lửa tại Nam Thái Bình Dương. (Ảnh: Reuters)
Tro bụi bốc lên sau một vụ phun trào núi lửa tại Nam Thái Bình Dương. (Ảnh: Reuters)

Núi lửa Hunga Ha'apai, cách đảo Fonuafo'ou của Tonga khoảng 30 km về phía đông nam, đã phun trào vào ngày 14/1 và tiếp tục phun trào vào ngày sau đó, gây ra các trận sóng thần ở khu vực Thái Bình Dương.

Hãng Reuters đưa tin, Australia và New Zealand ngày 17/1 đã điều máy bay giám sát tới đánh giá thiệt hại tại Tonga sau các vụ phun trào núi lửa gần đây. 

Thủ tướng Australia Scott Morrison cam kết hỗ trợ Tonga sớm nhất có thể, song ông cho biết tro bụi do núi lửa phun trào đã cản trở các nỗ lực cứu trợ. 

Trong thông cáo dưới dạng thư điện tử gửi tới Reuters hôm nay, Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia, ông Zed Seselja cho biết, báo cáo ban đầu cho thấy không có nhiều thương vong sau các vụ phun trào và sân bay của Tonga "dường như đang trong tình trạng tương đối tốt", tuy nhiên nhiều tuyến đường và cây cầu đã bị "hư hại đáng kể".

Australia vẫn giữ liên lạc với Mỹ, New Zealand, Pháp và một số quốc gia khác để điều phối các nỗ lực ứng phó sau các vụ phun trào núi lửa tại Tonga. 

Tonga -0

Sóng thần tấn công đảo Tongatapu lớn nhất tại Tonga. (Ảnh: Twitter/CNN)

Trong một cuộc họp báo ngày 16/1, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern xác nhận giới chức nước này chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng hoặc bị thương tại Tonga liên quan đến các vụ phun trào núi lửa.

Thủ tướng Ardern cho biết thêm, sóng thần đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Chính phủ New Zealand cam kết khoản tiền trị giá 340.000 USD để viện trợ và hỗ trợ Tonga về kỹ thuật cũng như triển khai các nỗ lực ứng phó tại địa phương. Lực lượng phòng vệ của New Zealand cũng sẽ được huy động tới hỗ trợ Tonga. 

Theo bà Ardern, dù tình hình tại khu vực Thái Bình Dương có vẻ ổn định nhưng không thể loại bỏ khả năng núi lửa tiếp tục phun trào. 

Hiện chưa có thông báo chính thức về các trường hợp thương vong tại Tonga. Hoạt động thông tin liên lạc vẫn còn hạn chế.

Núi lửa Hunga Ha'apai thường xuyên phun trào trong vài thập kỷ qua, tuy nhiên, tác động của lần phun trào hôm 15/1 vừa qua có thể cảm nhận được tại Fiji, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản. Theo hãng dự báo thời tiết Weather Watch của New Zealand, khoảng 26 giờ sau vụ phun trào, tro bụi của núi lửa đã bao phủ các quốc gia cách núi lửa hàng nghìn kilomet về phía tây.

Núi lửa Tonga phun trào gây sóng thần uy hiếp các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương