Áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tới thị trường kim loại quý

NDO -

Trên thị trường hàng hóa, nhóm kim loại quý gồm bạc và bạch kim chính là những mặt hàng chịu tác động lớn nhất sau mỗi phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần vừa qua, tâm điểm của thị trường tài chính trên toàn cầu chính là nội dung cuộc họp lãi suất đầu tiên trong năm 2022 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC). Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách tiền tệ của FED cũng có thể gây ảnh hưởng lên nền kinh tế trên toàn cầu.

Thị trường kim loại quý chật vật tìm động lực tăng giá

Trong năm vừa qua, thị trường chứng kiến sự lao dốc của các mặt hàng kim loại quý. Kết thúc phiên 27/1, giá bạc giảm gần 5% về 22,7 USD/ounce, thấp hơn 12% so một năm trước. Giá bạch kim đóng cửa phiên giảm 2,3% về gần 1.022 USD/ounce, tương đương mức giảm 5% trong một năm. 

Cả hai mặt hàng đều giảm mạnh trong bối cảnh đồng bạc xanh phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số Dollar Index đã tăng hơn 7% trong năm vừa qua. Đây là một mức tăng trưởng rất lớn đối với một loại tiền tệ, vốn không phải tài sản đầu tư. 

Áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tới thị trường kim loại quý -0
 

Bạc và bạch kim, vốn được coi như hai loại tài sản có vai trò trú ẩn an toàn cao, bên cạnh trái phiếu Chính phủ. Giá của cả hai mặt hàng thường được hưởng lợi trong bối cảnh lạm phát cao trên thế giới. Dù FED đã có những động thái thắt chặt từ cuối năm ngoái, và gây sức ép lên giá bạc và bạch kim, nhưng giá của cả hai mặt hàng khôi phục tốt trong giữa tháng 1 năm nay, bởi những lo ngại lạm phát vẫn còn tồn tại trên thị trường. 

Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng 7% trong tháng 12 và là mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Còn ở Trung Quốc, nơi chỉ số giá sản xuất PPI vốn được quan tâm hơn, cũng tăng hơn 10% trong tháng 12. Không chỉ riêng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phần lớn các nước đều chịu ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao, vốn là hậu quả của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong suốt hai năm vừa qua, khi thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19. 

Trong bối cảnh đó, giá bạc và bạch kim vẫn luôn nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cao đã buộc FED phải hành động để bảo vệ vị thế của đồng USD và làm suy yếu giá của hai mặt hàng này.

Sự phân hóa giữa hai mặt hàng kim loại quý nằm ngoài các yếu tố vĩ mô

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tuy đều là các mặt hàng kim loại quý, nhưng không phải lúc nào diễn biến giá của bạc và bạch kim cũng tương đồng nhau. Giữa hai mặt hàng, giá bạch kim là ít chịu tác động tiêu cực hơn bởi các chính sách của FED so giá bạc, bởi phần lớn ứng dụng bạch kim được sử dụng trong ngành sản xuất công nghiệp. 

Mỗi năm, 40% nhu cầu tiêu thụ bạch kim thuộc về lĩnh vực sản xuất ô tô, và có thể sẽ tăng trong thời gian tới do sự phát triển của các ngành năng lượng xanh, đặc biệt là xe điện. Giá bạch kim tăng trong phiên mà FED tiếp tục khẳng định những chính sách thắt chặt tiền tệ, nhờ vào lợi nhuận bán xe tích cực của Tesla, hãng xe điện lớn nhất thế giới.

Bất chấp những vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt chất bán dẫn, Tesla vẫn có được mức lợi nhuận gộp gần 30% trong quý IV/2020. Có thể thấy nhu cầu cho các phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô sẽ còn tăng, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh mẽ và làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với các phương tiện công cộng. 

Cơ hội nào cho thị trường kim loại quý trong bối cảnh FED chắc chắn sẽ tăng lãi suất?

Trong thời gian tới, giá của cả hai mặt hàng kim loại quý sẽ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của FED. Theo CME Watchtool, một công cụ dự báo lãi suất được ưa chuộng của các nhà đầu tư, gần như FED sẽ tăng lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 3, và có tới hơn 80% khả năng FED sẽ tăng ít nhất 0,25%. Nhiều tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Goldman Sachs cũng cho biết FED có thể sẽ tăng lãi suất nhiều hơn ba lần trong năm 2022.

Áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn chưa buông tha thị trường kim loại quý -0
Các kịch bản tăng lãi suất của FED trong kỳ họp tháng 3/2022.

Nếu kịch bản này xảy ra, giá của hai mặt hàng kim loại quý sẽ tiếp tục giảm vì sức ép đến từ đồng bạc xanh. Ngoài ra, việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều tháng, 1,87% có thể là yếu tố khiến cho việc dòng vốn đổ vào các thị trường bạc và bạch kim bị cạnh tranh và giảm bớt. 

Nhìn chung, dù triển vọng của hai mặt hàng kim loại quý không mấy khả quan trong giai đoạn tới, nhưng đây vẫn sẽ là hai loại tài sản an toàn và thích hợp để đa dạng hoá danh mục đầu tư, nhất là trong thời điểm nền kinh tế trên toàn cầu còn phải đối mặt với nhiều bất ổn hậu đại dịch, và những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.