Áp lực lớn với hệ thống lương thực toàn cầu

Tác động của hiện tượng El Nino đối với sản xuất nông nghiệp và tình trạng nguồn cung gián đoạn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu trong thời gian tới. Tình trạng này không những đẩy cuộc sống của nhiều người dân vào tình cảnh bấp bênh mà còn cản trở lộ trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng ngô khô hạn tại một tỉnh miền Nam Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cánh đồng ngô khô hạn tại một tỉnh miền Nam Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những tác động của El Nino đang ngày càng rõ rệt. Nhà khí tượng học Chris Hyde thuộc công ty phân tích dữ liệu khí hậu Maxar Technologies (Mỹ) nhận định, một số nơi trên thế giới đang hứng chịu El Nino cường độ mạnh và hiện tượng thời tiết này sẽ tiếp tục hoành hành trong thời gian tới. El Nino thường dẫn đến thời tiết khô hạn hơn ở châu Á, trong khi nhiều nơi ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ lại có lượng mưa cao quá mức. Giới chuyên gia cảnh báo, El Nino trong nửa cuối năm 2023 sẽ khiến nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp bị tác động trên diện rộng.

Là một trong những khu vực bị “bóng đen El Nino” bao phủ nghiêm trọng, châu Á chứng kiến sản lượng ngũ cốc giảm mạnh do hạn hán. Trong hơn 1 tháng qua, các khu vực phía đông Indonesia và phần lớn Thái Lan ghi nhận lượng mưa thấp kỷ lục, chỉ bằng 50-70% mức trung bình. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đã yêu cầu nông dân giảm số vụ trồng lúa để tiết kiệm nước.

Tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, tháng 8 khô hạn nhất trong lịch sử cũng tác động mạnh sản lượng lương thực. Đáng lo ngại, nhiều chuyên gia dự báo, lượng mưa thấp hơn trong tháng 9 sẽ tiếp tục đe dọa vụ mùa tại các vựa lương thực ở châu Á.

Trong khi đó, lần đầu tiên trong 4 năm, dự báo sản lượng lúa mì của Australia, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, được điều chỉnh giảm do thiếu mưa tại một số vùng canh tác chủ chốt.

Bên cạnh thời tiết cực đoan, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn cũng gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu. Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm khai thông tuyến đường đưa lương thực từ Ukraine và Nga, hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa qua, Nga tuyên bố dừng tham gia với lý do phần thỏa thuận liên quan nước này đã không được thực hiện. Moskva khẳng định sẽ ngay lập tức thực hiện trở lại nếu các bên còn lại tuân thủ đầy đủ cam kết. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt để khôi phục tuyến xuất khẩu lương thực quan trọng qua Biển Đen.

Đánh giá thỏa thuận này là “phao cứu sinh” đối với an ninh lương thực toàn cầu, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đình trệ là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới.

Trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu bấp bênh do nguồn cung không ổn định và nhiều nước kiểm soát xuất khẩu để dự trữ, nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới ngày càng hiện hữu.

Sau khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không phải giống basmati hồi cuối tháng 7 vừa qua, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga đã có những động thái tương tự. Mới nhất, Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ và mức 40% với hành tây, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

Cú sốc giá lương thực có thể làm gia tăng lạm phát ở các nước nghèo, nơi lương thực, thực phẩm chiếm 30% tổng chi tiêu của các gia đình, cao gấp đôi mức tại các nước phát triển.

Pakistan cũng vừa thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường để ổn định giá tại thị trường nội địa. Theo Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, nước này có kế hoạch tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo...

Sóng gió liên tiếp ập tới trong thời gian qua đã làm chao đảo hệ thống lương thực thế giới, khiến giá cả tăng vọt. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thông báo, sau 2 năm duy trì ở mức thấp, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã quay đầu tăng trong tháng 7 vừa qua. Giá gạo ở một số nước thậm chí chạm mức cao nhất trong 15 năm.

Giới chuyên gia lo ngại, cú sốc giá lương thực có thể làm gia tăng lạm phát ở các nước nghèo, nơi lương thực, thực phẩm chiếm 30% tổng chi tiêu của các gia đình, cao gấp đôi mức tại các nước phát triển. Bà Laura Sanchez, Trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản bền vững tại Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, El Nino có thể đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, nhưng tác động đối với lạm phát lương thực sẽ kéo dài hơn, nhất là ở các thị trường mới nổi.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, nạn đói trên thế giới tiếp tục gia tăng và đã trở lại mức của năm 2005. Nếu áp lực đối với hệ thống lương thực toàn cầu không sớm được giải tỏa, mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030 có nguy cơ bị bỏ lỡ.