Áp lực lạm phát hạ nhiệt

Nỗ lực hạ nhiệt “cơn sốt lạm phát” ở châu Âu đã có dấu hiệu tích cực. Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11 vừa qua giảm xuống 10%, từ mức kỷ lục 10,6% của tháng trước đó. Đây cũng là lần đầu trong 17 tháng qua, tỷ lệ lạm phát của Eurozone giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Anh mua sắm tại chợ Leicester, TP Leicester, Anh, ngày 27/5/2021. (Ảnh: Reuters)
Người dân Anh mua sắm tại chợ Leicester, TP Leicester, Anh, ngày 27/5/2021. (Ảnh: Reuters)

Giá năng lượng bán buôn giảm cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng được nới lỏng giúp giới chuyên gia nhận định rằng, lạm phát tại Eurozone bắt đầu hạ nhiệt. Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho biết, giá tiêu dùng ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong tháng 11/2022 đã giảm nhẹ so với tháng trước, chủ yếu do giá dầu thấp hơn. Theo số liệu sơ bộ của cơ quan này, tỷ lệ lạm phát ở Đức trong tháng 11 ở mức 10%, sau khi chạm ngưỡng 10,4% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ năm 1951. Đây là lần đầu tiên lạm phát giảm và theo các chuyên gia, Đức có thể đã qua đỉnh lạm phát.

Số liệu tích cực vừa được công bố dấy lên hy vọng lạm phát tại Eurozone đã đạt đỉnh và khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ điều chỉnh giảm mức tăng lãi suất. Với tỷ lệ lạm phát giảm, các chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng ECB sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, khi Hội đồng thống đốc của ngân hàng dự kiến họp vào ngày 15/12 tới, sau hai lần tăng lãi suất liên tiếp với mức 0,75 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%, do đó ECB vẫn cần tăng mạnh lãi suất ngay cả khi lạm phát giảm, để tránh thiệt hại do vòng xoáy giá và lương theo nhau tăng.

Kinh tế Eurozone chịu nhiều áp lực từ lạm phát và hoạt động kinh tế trong tháng 11 tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Theo dữ liệu mới của S&P Global, Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Eurozone tăng từ mức 47,3 trong tháng 10 lên 47,8 trong tháng 11. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn dưới ngưỡng 50, thể hiện hoạt động kinh tế giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn ở mức cao. Dù vậy, S&P đánh giá áp lực lạm phát với các doanh nghiệp đang giảm bớt và chỉ số lòng tin kinh doanh bắt đầu tăng lên.

Theo các nhà phân tích, dựa trên những dữ liệu mới, có thể tin rằng tốc độ suy giảm GDP trong quý IV của Eurozone sẽ thấp hơn mức 0,5% đã được dự báo. Dù vậy, các tín hiệu cải thiện vẫn còn yếu cho thấy vấn đề lạm phát khó có thể được giải quyết sớm.

Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, Eurozone có thể sẽ rơi vào suy thoái trong mùa đông này, trong bối cảnh lạm phát được dự báo còn tăng do giá năng lượng cao. Theo Ủy ban châu Âu (EC), sự bất ổn và chi phí gia tăng có thể đẩy Eurozone và hầu hết các nền kinh tế thành viên EU rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm 2022.

Nhà kinh tế trưởng của S&P Chris Williamson cảnh báo, đà giảm của hoạt động kinh doanh trong tháng 11 càng làm nổi bật nguy cơ kinh tế Eurozone vào suy thoái. Tuy nhiên, nhà kinh tế này đánh giá áp lực nguồn cung đang có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt, trong đó hoạt động của các nhà cung ứng ở trung tâm sản xuất của khu vực là Đức đã có dấu hiệu cải thiện. Nguồn cung cho các doanh nghiệp được cải thiện, nhưng nền kinh tế Đức vẫn có tốc độ giảm mạnh nhất, với PMI tháng 11 là 46,4. Nền kinh tế lớn tiếp theo của Eurozone là Pháp đã có những dấu hiệu hoạt động tốt hơn, nhưng sản lượng vẫn giảm trong tháng 11, đánh dấu tháng đầu tiên giảm kể từ tháng 2/2021.

Trong bối cảnh còn quá nhiều yếu tố bất trắc có thể tác động tới nền kinh tế Eurozone, các chuyên gia nhận định, kinh tế châu Âu tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái. Những dấu hiệu tích cực đã nhen nhóm, song nền kinh tế Lục địa Già tiếp tục chịu áp lực lạm phát vẫn cao và hoạt động kinh tế chưa thật sự khởi sắc.