Áp dụng chuyển đổi số vào Tết trồng cây

Nhiệm kỳ 2017-2022, tuổi trẻ cả nước đã trồng mới hơn 61 triệu cây xanh, vượt gấp đôi chỉ tiêu đề ra. Từ đó, các cấp bộ đoàn đã đặt mục tiêu trồng mới thêm 20 triệu cây xanh trong năm 2023 với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo và cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 tại tỉnh Hòa Bình.
Cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 tại tỉnh Hòa Bình.

Các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Từ đó, nhiều năm qua, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã ra sức triển khai nhiều hoạt động, mô hình thiết thực như: “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Hãy làm sạch biển”...

Trong đó, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành hoạt động hằng năm, ngày càng phát huy tính hiệu quả, sức sáng tạo của tuổi trẻ. Theo thống kê tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, diễn ra tháng 12/2022, trong nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp bộ đoàn đã trồng mới hơn 61 triệu cây xanh. Hướng đến chỉ tiêu trồng mới 100 triệu cây xanh trong nhiệm kỳ 2022-2027 mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra và thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp bộ đoàn sẽ phấn đấu trồng khoảng 20 triệu cây xanh trong năm 2023.

Theo kế hoạch, từ tháng 1 đến tháng 3/2023, tuổi trẻ cả nước sẽ huy động hơn 200 nghìn đoàn viên, thanh niên chung tay trồng mới gần 2 triệu cây xanh, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đã trồng.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: “Việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần kiểm soát số liệu liên quan, giúp hoạt động trồng cây trở nên bền vững, hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng số liệu ảo, chạy theo hình thức. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong mỗi cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên”.

Hưởng ứng kế hoạch nêu trên, những ngày qua, các cấp bộ đoàn trên cả nước đã nhanh chóng triển khai nhiều cách làm sáng tạo gắn với hoạt động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tiêu biểu, Thành đoàn Hải Phòng đã lồng ghép công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử-văn hóa” đối với các khu di tích Từ Lương Xâm (quận Hải An), chùa Đại Vĩnh (huyện Kiến Thụy). 13 di tích lịch sử-văn hóa đã được gắn mã QR với thông tin, hình ảnh song ngữ Việt-Anh, khởi động cho chiến dịch gắn mã QR tại 378 điểm di tích lịch sử cấp thành phố, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4 tới.

Bên cạnh đó, có thể kể đến chương trình Tết trồng cây tại Đồn Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) với việc trồng 400 cây tre nhằm thực hiện mô hình “Lũy tre biên giới Việt” gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; lễ phát động Tết trồng cây tại khu Đồng Vông (phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) với hơn 3 nghìn cây phi lao cải tạo đất ở các bãi thải mỏ, nâng cao độ che phủ rừng, chống sạt lở, xói mòn, phục hồi môi trường...

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây”, những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống toàn dân vẫn còn nguyên ý nghĩa lớn lao, giá trị thiết thực. Với sức trẻ, sự tham gia sôi nổi, mạnh mẽ của các cấp bộ đoàn, “Tết trồng cây” đã thật sự lan tỏa thành phong trào quần chúng rộng rãi, bền vững, tạo nét xuân độc đáo, tập quán tốt đẹp của toàn dân tộc.