Cha truyền con nối
Chúng tôi đến làng Trạch Xá vào một sáng tháng 6, khi cái nắng bắt đầu le lói mọi ngả đường. Trước con đường bê-tông lớn có một tấm biển khổ rộng đề chữ "Làng nghề may Trạch Xá - điểm du lịch hấp dẫn". Một người phụ nữ chỉ cho tôi đến nhà cụ Nguyễn Văn Nhiên, người gắn bó với nghề may đã mấy chục năm trong làng. Dù đã 80 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng nghe nói đến nghề may, cụ Nhiên mắt long lanh hào hứng kể chuyện nghiệp nghề.
Cụ Nhiên cho biết: Nghề may áo dài của làng có từ mấy trăm năm về trước. Bấy giờ, bà Nguyễn Thị Sen, thứ phi của Vua Ðinh Tiên Hoàng học được nghề may trong cung đã đưa nghề may về làng Trạch Xá để truyền dạy cho người dân, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. Những đứa trẻ ở làng tầm sáu, bảy tuổi bắt đầu được gia đình dạy khâu tay đến khi nhơn nhớn là thành thục nghề, có thể tự hoàn thành được một chiếc áo truyền thống.
Ông Lê Văn Duẩn, người làng Trạch Xá, theo nghề may truyền thống của gia đình được gần 30 năm. Năm 1990, sau khi trải qua một số nghề, ông quyết định quay trở lại với nghề may của gia đình. Ðược cha truyền nghề và học hỏi từ các nghệ nhân may trong làng, ông Duẩn làm đúng theo các kỹ thuật khâu tay truyền thống, hạn chế sử dụng máy may. "Áo dài Trạch Xá quê tôi đa phần là khâu tay. Ưu điểm của khâu tay là đường kim mũi chỉ đều và tà áo rất mềm mại, đúng phong cách áo dài truyền thống mà các cụ truyền lại. Các cụ có câu thơ "Trên thì đường tà/Dưới phô chĩnh nghệ". Nghĩa là trên thì không nhìn thấy một đường kim mũi chỉ nào, dưới thì chỉ lăn tăn, nho nhỏ", ông Duẩn cho biết.
Không chỉ nổi tiếng với áo dài, làng Trạch Xá còn có tiếng với nghề may trang phục cung đình, lễ hội với hơn 100 hộ theo nghề. Gia đình anh Nghiêm Thành Công theo nghề đã 25 năm. Ðể có được những bộ trang phục đúng truyền thống ngày xưa, anh phải luôn tìm hiểu thêm về họa tiết, kiểu cách qua lời kể của các cụ cao niên trong làng hoặc qua sách, báo. Những mẫu trang phục còn được anh đưa lên trang Facebook cá nhân để giới thiệu. "Bây giờ có nhiều kiểu cách, tôi đưa lên đó một phần để lưu lại các mẫu tiêu biểu, phần nữa là giới thiệu để mọi người biết đến nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Hầu hết tà áo dài ngày trước đều được giữ nguyên dáng áo liền vai, cổ tay, họa tiết, mầu áo bắt mắt", anh Công nói.
Trong suốt mấy tiếng đồng hồ khám phá vẻ đẹp của ngôi làng có mấy trăm năm làm nghề truyền thống, chúng tôi sang nhà ông Ðỗ Văn Thường, người làm nghề may áo dài được hơn 20 năm. Trong căn nhà đơn sơ với những bộ trang phục áo dài có nhiều hoạ tiết hoa văn bắt mắt, chúng tôi có cảm giác như lạc vào một buổi trưng bày giới thiệu sản phẩm thường gặp ở các lễ hội. Ðôi tay vừa vân vi chiếc áo dài, ông Thường vừa kể về lịch sử của làng may áo dài Trạch Xá và cơ duyên ông đến với nghề.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, chín người con thì có ba người theo nghề may áo dài, tuổi thơ của ông Thường là ký ức về cái thước, cái kim và cuộn chỉ. Lên sáu tuổi, ông được cha rèn cho cách sử dụng kim khâu và cứ sau mỗi buổi tan học về, ông lại phụ giúp việc gia đình. Năm 17 tuổi, khi cầm trên tay kết quả trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ, trong lòng hạnh phúc nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông phải tạm gác lại công việc học hành. Những năm tháng sau đó, ông Thường cùng cha lăn lộn với nghề may ở nhiều nơi, từ Thanh Hóa, Hải Phòng cho đến Bắc Ninh để kiếm sống. Bấy giờ là thời kỳ bao cấp, nhà nào có điều kiện mới đặt may áo dài cho nên khi nhận được đơn hàng, hai cha con trong lòng vui khôn xiết, nhưng cũng cảm thấy bội phần lo lắng vì không biết có làm đúng theo yêu cầu hay không bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thì… lấy tiền đâu mà đền.
Mấy năm làm nghề nhưng chưa thành, năm 1992, ông Thường quyết định ra Hà Nội lập nghiệp. Khoác ba-lô lên Thủ đô với số tiền ít ỏi trong tay chỉ đủ thuê nhà, nhưng với tay nghề sẵn có, ông được nhận vào làm tại một cửa hàng bán áo dài trên phố Cầu Gỗ. Số tiền công kiếm được không nhiều, một phần ông dành dụm gửi về gia đình, một phần để trang trải cuộc sống. Năm 2005, sau gần 20 năm làm thuê vất vả mà số tiền kiếm được cũng chẳng nhiều nhặn, nhận thấy kinh tế thị trường đang phát triển, nhiều người ở quê không có việc, tận dụng mối quan hệ sẵn có với các chủ cửa hàng, ông Thường xin nhận hàng về quê làm. Số tiền tích cóp được sau ngần ấy năm làm nghề được ông dùng để đầu tư bốn máy may dây chuyền, tạo việc làm cho 30 lao động. Có thể nói, nghề may áo dài đã mang lại cho gia đình ông một cuộc sống ổn định và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho nhiều người dân ở đất "may áo dài" Ứng Hòa.
Trong ngôi nhà ba gian và cũng là xưởng may nhỏ, ngày ngày ông Ðỗ Văn Thường vẫn cho ra những chiếc áo dài mang thương hiệu Trạch Xá. Ảnh: VŨ PHƯƠNG PHÚC
Chỉ bỏ nghề khi không cầm nổi kim
Dù trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Kể cả những lúc trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Ông Thường cho biết, những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, mầu sắc đa dạng cho nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề của mình.
Làng Trạch Xá hiện có 500 hộ thì 90% số hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Tuy nhiên, nghề này chỉ đều việc vào những tháng đầu và cuối năm, do vậy thu nhập của người dân chưa ổn định và còn thấp. Những tháng không có việc, dân làng thường đùa nhau sẽ bỏ cái nghề "Ăn cám trả vàng"... Nói thì nói vậy chứ chẳng ai bỏ được vì đó là nghề của tổ tiên truyền lại, đã ăn sâu vào máu và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Ông Thường chia sẻ: Bây giờ lớp trẻ tiến bộ hơn chúng tôi ngày trước, có nhiều cơ hội làm kinh tế cho nên ít quan tâm đến nghề truyền thống. Ðiều tôi trăn trở nhất là nghề truyền thống của cha ông sau này ngày càng thu hẹp đất sống, bởi với nghề này, người học cần tố chất tài hoa, đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì. Vì thế, ông Thường đang cố gắng giữ nghiệp tổ bằng cách truyền lại cho các con và khuyến khích lớp trẻ trong làng theo học nghề.
Những người thợ may làng Trạch Xá đã và đang dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi chiếc áo để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới địa danh Trạch Xá. Có thể áo dài Trạch Xá được người đời ví "may như dán hồ", đường chỉ nổi "đều như trứng rận" và "10 mũi kim như chín" nhưng không vì thế mà người thợ của làng cảm thấy mãn nguyện. Một ngày, mỗi ngày rồi lại một ngày, họ vẫn miệt mài cầm kim, rèn luyện, trau dồi tay nghề để đem lại cho đời những chiếc áo dài tinh xảo, hoàn mỹ. Lời khẳng định như đinh đóng cột, rằng "Chúng tôi chỉ bỏ nghề khi không cầm nổi kim" của cụ Nhiên, niềm đam mê bất tận của ông Thường hay sự nối tiếp của lớp trẻ làng Trạch Xá, những người vẫn còn nặng lòng với từng đường kim, mũi chỉ, là điều để tin rằng, nghề may áo dài nơi đây không chỉ giữ vững được "danh thơm" mà còn nối dài mãi mạch nguồn văn hóa truyền thống tốt đẹp.