[Ảnh] Thổi hồn văn hóa dân tộc vào những miếng gỗ vuông tròn
NDO - Gắn liền với một phần văn hóa của dân tộc Việt Nam, triện khắc không chỉ là một nghề thủ công, mà từ lâu đã trở thành môn nghệ thuật trang trọng có quan hệ mật thiết với thư pháp. Đâu đó ở những góc phố cổ của Thủ đô, lẫn trong nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, các nghệ nhân triện khắc hiếm hoi còn sót lại vẫn miệt mài sáng tạo, nỗ lực giữ nghề gia truyền trước những quy luật và vòng xoáy của thời gian.
Theo các tài liệu cổ, triện khắc hay khắc dấu là một nghề có xuất xứ từ tỉnh Hà Tây cũ cách đây vài trăm năm với nhiều sản phẩm đa dạng như ấn chương, tranh thờ, tranh dân gian... Trong ảnh là một bức tranh dân gian khắc trên gỗ được trưng bày ở một cửa hàng trên phố Hàng Quạt.
Ở những thế kỷ trước, các nhà nho, nhà thư pháp quan niệm: Thư pháp, thư họa mà thiếu dấu ấn chương thì mãi mãi chỉ là một tác phẩm chưa hoàn thiện. Vì thế, nghề triện khắc ấn chương đã từng có thời kỳ phát triển cực thịnh với những nghệ nhân nổi tiếng, có tay nghề cao, thủ pháp tinh xảo. Ngày nay, vẫn có thể dễ dàng bắt gặp một số loại ấn chương, dấu triện như vậy ở khu vực phố cổ Hà Nội.
Triện khắc là môn nghệ thuật sử dụng chữ triện thư khắc lên các loại chất liệu như đá, ngọc, ngà, sừng, kim loại, gỗ... Trong đó, phổ biến nhất là khắc trên gỗ. Người khắc triện sử dụng một chiếc dao nhỏ để làm nên sản phẩm.
Dụng cụ của một nghệ nhân triện khắc không nhiều. Vì vậy, chất lượng sản phẩm hầu hết phụ thuộc vào sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay. Trong ảnh là một số khuôn tranh dân gian Đông Hồ bằng gỗ được làm theo thể thức dương văn. Nghĩa là khi đóng dấu lên giấy thì phần nền sẽ có màu trắng, còn phần hình ảnh hoặc nét chữ là màu chu sa (đỏ).
Khuôn làm bánh Trung thu cũng là một trong những sản phẩm từng rất thịnh hành ở các cửa hàng khắc gỗ. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, các loại khuôn bánh như trong hình hầu như chỉ được sử dụng ở những hộ kinh doanh bánh thủ công nhỏ lẻ.
Trải qua biết bao thăng trầm, nghề triện khắc gỗ dần mai một. Các nghệ nhân hầu như chỉ còn tập trung vào "dòng sản phẩm" con dấu gỗ, vốn rất được khách du lịch và các bạn trẻ ưa chuộng.
Thông thường, khách đến cửa hàng có thể chọn trực tiếp hình trên con dấu gỗ theo sở thích, cầu kỳ hơn thì gửi file hình qua internet. Người thợ sẽ in hoặc vẽ hình lên bề mặt phôi con dấu rồi khắc bằng tay. Trong ảnh là 2 du khách người Mỹ đang chọn trực tiếp con dấu có sẵn.
Một trong 2 du khách này là người gốc Hoa, nên đã chọn cho mình con dấu có họa tiết rồng, thể hiện sự may mắn. Con dấu còn lại là bông hoa sen - tượng trưng cho tên riêng của vị nữ du khách. Những con dấu thường được để trống một khoảng ở phía dưới để tiện việc khắc tên hoặc các ký tự mà khách hàng yêu cầu.
Để chiều lòng những khách hàng trẻ tuổi, các nghệ nhân đã đưa thêm nhiều hình ảnh, hoa văn có xuất xứ từ những tác phẩm văn hóa hiện đại lên con dấu gỗ. Được biết, chất liệu của các con dấu phải là loại gỗ thừng mực bởi đặc tính nhẹ, mịn và thấm mực đều. Việc khắc tên lên con dấu là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tay nghề cao, bởi mọi ký tự đều phải được thực hiện ngược.
Dù mẫu mã ngày càng trở nên vô cùng phong phú, nhưng những con dấu gỗ vẫn luôn giữ hình dạng tròn hoặc vuông/chữ nhật. Giá bán của mỗi con dấu đơn giản dao động từ 70-100 nghìn đồng. Loại phức tạp hơn như chân dung, phong cảnh hoặc theo mẫu của khách yêu cầu sẽ có giá trên dưới 300 nghìn đồng.
Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được cho vào một chiếc túi giấy, bên ngoài được triện bằng chính con dấu mà khách hàng đặt mua. Quá trình hoàn thiện một con dấu gỗ kéo dài trong khoảng 10-30 phút tùy loại. Nhiều du khách cho biết, điểm thú vị của việc mua một con dấu gỗ làm quà kỷ niệm không là việc được thoải mái cá nhân hóa theo sở thích, mà còn nằm ở chính khoảng thời gian ngồi ngắm nghía các nghệ nhân say sưa thổi hồn vào sản phẩm.
Chính vì vậy, triện khắc phần nào vẫn có thể giữ được nét văn hóa dân tộc trong nhịp sống hối hả ngày nay, dù số lượng nghệ nhân và những cửa hàng khắc gỗ chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay. Những con dấu vuông tròn nhỏ bé ấy mang theo một luồng năng lượng đặc biệt, gợi nhớ về một nghề truyền thống gắn chặt với dòng lịch sử dân gian của Việt Nam.
Giống với một số nghề cổ xưa, triện khắc thường chỉ được các nghệ nhân truyền lại cho con cháu trong nhà. Người học nghề sẽ phải trải qua khoảng 1-2 năm để có thể cho ra những sản phẩm đơn giản. Tùy vào sự khéo tay và năng khiếu, mỗi người thợ sẽ có một hướng đi riêng để phát triển và hoàn thiện nghề.
Tuy nhiên, theo các nghệ nhân trên phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hiện rất ít bạn trẻ muốn theo đuổi và thậm chí con cháu trong nhà của các nghệ nhân cũng không quá mặn mà với "nghiệp đục đục, khắc khắc" này. "Thực tế, chúng tôi đã mở nhiều lớp học miễn phí, nhưng để theo được nghề thì lại chẳng được vài người. Thậm chí, có những thanh niên chỉ học được vài buổi là... biến mất. Có lẽ, nghề triện khắc thủ công rồi cũng sẽ phải tuân theo quy luật của thời gian", một nghệ nhân ngậm ngùi nói.