Chương trình diễu binh diễn ra sáng 14/7 nhân dịp Ngày Quốc khánh Pháp kết thúc bằng hình ảnh ngọn đuốc Olympic dần dần tiến về lễ đài. Trước lễ đài chính, 80 binh sĩ trẻ thuộc lực lượng Hiến binh và không quân mang quân phục gồm năm màu xanh lá, vàng, đỏ, xanh da trời và đen, xếp thành hình năm vòng tròn, biểu tượng của Olympic, chào đón sự xuất hiện của ngọn đuốc Olympic. (Ảnh: Le Monde) |
Hành trình của ngọn đuốc Olympic đi qua những con phố của thủ đô Paris trong hai ngày 14 và 15/7. Các công tác tổ chức phân luồng giao thông có đôi chút ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của người dân, nhưng ai nấy cũng đều phấn khởi cho khoảnh khắc khó quên với ngọn lửa Thế vận hội. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Tại các điểm chuyển tiếp, không khí của kỳ thế vận hội lớn nhất hành tinh càng nóng bỏng hơn nữa với những đám đông náo nhiệt tới chứng kiến hình ảnh ngọn đuốc biểu trưng cho hòa bình của nhân loại. Khoảng 1.600 cảnh sát và hiến binh cùng 18.000 nhân viên an ninh được huy động cho sự kiện đặc biệt này. (Ảnh: MINH DUY) |
Olympic Paris 2024 đánh dấu sự trở lại của Thế vận hội mùa hè tại nước Pháp sau 100 năm tính từ lần đăng cai tổ chức trước đó. Do vậy, dọc theo bờ kè Jemmapes, người dân sinh sống tại quận 10 và du khách trong khu vực đã tập trung đông đủ để cùng nhau đón ngọn đuốc. (Ảnh: MINH DUY) |
Trước đây, nước Pháp đã 2 lần đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè vào các năm 1900 và 1924, cũng tại thành phố Paris và nhiều địa phương của Pháp. (Ảnh: MINH DUY) |
Ba kỳ Thế vận hội mùa đông vào các năm 1924, 1968 và 1992 cũng được nước chủ nhà Pháp tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng cho công chúng hâm mộ thể thao quốc tế. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Các sĩ quan cảnh sát và hiến binh quốc gia, cũng các tình nguyện viên được tập huấn kỹ càng để đảm bảo an ninh trong khu vực ngọn đuốc đi qua, cũng như ứng phó nhanh chóng với các tình huống không mong đợi. (Ảnh: MINH DUY) |
Nghệ sĩ piano trẻ 17 tuổi người Pháp Rayane Hechmi là người rước ngọn đuốc tới quảng trường Bastille, để truyền lửa lại cho người tiếp theo trên hành trình. (Ảnh: MINH DUY) |
Tại quảng trường Bastille, người dân Pháp và du khách quốc tế có dịp được thưởng thức tiết mục đồng diễn múa ballet của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky do các vũ công từ Nhà hát Opera Paris trình diễn. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Nhiều tòa nhà văn phòng trở thành điểm quan sát lý tưởng hành trình của ngọn đuốc cho nhân viên các công ty, doanh nghiệp tạm thời nghỉ ngơi đôi phút trong giờ hành chính. (Ảnh: MINH DUY) |
Tại các điểm chuyển tiếp ngọn lửa Olympic, những màn hình cỡ lớn vốn được sử dụng để quảng cáo cũng được tận dụng để trình chiếu cho người dân thuận tiện quan sát. (Ảnh: MINH DUY) |
Ngọn lửa thiêng của Thế vận hội Olympic được truyền tiếp giữa các vận động viên ngay trên phố, mang lại nhiều cảm xúc ấn tượng và thân thuộc cho chính người dân trong khu vực. (Ảnh: MINH DUY) |
Trong hai ngày 14 và 15/7, rước đuốc trải dài trên 60km tại thủ đô Paris, đoàn rước đuốc gồm 540 người chạy tiếp sức đúng 200m sẽ đi ngang qua nhiều địa điểm lịch sử hoặc gắn bó với những sự kiện đáng nhớ của nước Pháp như tòa nhà Quốc hội, quảng trường Bastille, quảng trường Concorde, quảng trường Vosges, nhà thờ Đức Bà Notre-Dame, bảo tàng Louvre, “lá phổi xanh của thành phố” rừng Vincennes, công viên Buttes Chaumont… (Ảnh: MINH DUY) |
Với tinh thần đoàn kết, Olympic Paris 2024 không quên quảng bá tới người dân địa phương và du khách quốc tế về kỳ Thế vận hội tiếp theo sẽ diễn ra tại thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ) vào năm 2028. Sau Paris, tối 15/7, ngọn đuốc tiếp tục hành trình đến vùng Picardie ở tây bắc nước Pháp, rồi quay lại gần các vùng phụ cận Paris trước khi đến Seine Saint Denis, đúng Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26/7. (Ảnh: MINH DUY) |
Trước khi xuất hiện chính thức tại Lễ khai mạc Olympic 2024 sẽ diễn ra vào ngày 26/7, ngọn đuốc Thế vận hội đã trải qua cuộc hành trình xuyên suốt hơn 400 thành phố và thị trấn của nước Pháp, với sự rước đón của hơn 10.000 người. (Ảnh: MINH DUY) |
Không chỉ Pháp, mà cũng như đối với bất kỳ quốc gia đăng cai Thế vận hội nào khác, các kỳ Olympic và Paralympic góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và con người của mỗi quốc gia, đồng thời tạo ra động lực để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan. (Ảnh: MINH DUY) |