Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh: “Biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh, điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Cứ 2 đến 3 ngày, số ca nhiễm lại tăng gấp đôi”.
Theo giới chức y tế Anh, trước tình hình trên, nếu không có các hành động kịp thời, rất có thể sẽ có tới 1 triệu ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận tại Anh cho đến cuối tháng này.
"Điều đó có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với 1 làn sóng lây nhiễm như "thủy triều". Một lần nữa chúng ta đang ở trong cuộc chạy đua giữa vaccine và virus", ông Javid cảnh báo.
Kể từ khi các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới được phát hiện vào ngày 27/11 tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã yêu cầu áp dụng các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt hơn.
Ông Johnson ngày hôm qua cũng đã cảnh báo về 1 "làn sóng lây nhiễm mạnh như thủy triều" gây ra bởi biến thể Omicron đang đến. Do đó, Thủ tướng Anh khuyến cáo người dân nước này nên nhanh chóng tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19.
Theo dữ liệu được công bố hôm thứ sáu bởi Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, hiệu quả của vaccine giảm đáng kể trước biến thể Omicron ở những người đã tiêm đủ 2 liều, nhưng liều tiêm thứ ba giúp tăng cường khả năng bảo vệ lên đến trên 70%.
Ông Javid cho biết thêm, hiện chưa có trường hợp tử vong nào do nhiễm Omicron được xác nhận ở Anh, và chỉ có 10 người nhiễm biến thể này phải nhập viện. Nhưng Omicron được cho là đã lây lan trong khoảng 40% số ca nhiễm Covid-19 ở London.
Bộ trưởng Y tế Anh cũng cảnh báo, trong khi các triệu chứng nhiễm Omicron có thể nhẹ hơn so với các biến chủng khác, sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải, nếu chính phủ không có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo ông Javid, liều vaccine tăng cường thứ ba sẽ đủ bảo vệ trước nguy cơ nhiễm bệnh nặng.
Hiện Chính phủ Anh đang đặt mục tiêu hoàn tất tiêm tăng cường cho tất cả người trưởng thành ở nước này trước năm mới.
Theo đó, tốc độ tiêm sẽ tăng mạnh lên khoảng 1 triệu liều mỗi ngày, khoảng gấp đôi so mức 530 nghìn liều/ngày như hiện tại.
Để đẩy nhanh chương trình tiêm tăng cường này, dự kiến các điểm tiêm chủng mới sẽ được thiết lập và đưa vào hoạt động trong vòng 7 ngày. Quân đội cũng sẽ được huy động tham gia chiến dịch tiêm chủng mới, trong khi một số dịch vụ khám sức khỏe định kỳ sẽ phải hoãn lại.
Cũng trong ngày 13/12, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Tatiana Golikova cho biết, nước này đã phát hiện biến thể Omicron ở 16 người trở về từ Nam Phi. Nga trước đó đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 6/12.
Cùng ngày, Pakistan xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại thành phố đông dân nhất nước Karachi.
Viện Y tế quốc gia (NIH) cho biết, đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Pakistan, và cơ quan này vẫn đang tiếp tục giám sát các mẫu nghi ngờ khác để xác định xu hướng dịch bệnh.
Pakistan cũng đã ban hành các hạn chế đi lại đối với một số quốc gia ở miền nam châu Phi, sau khi biến thể mới Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại khu vực này.
Ở Đông Nam Á, Indonesia dự kiến sẽ bắt đầu tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi vào thứ ba, bắt đầu từ vùng đô thị Jakarta.
Nước này đã phê duyệt vaccine Sinovac Biotech vào tháng trước và khoảng 26,5 triệu trẻ em dự kiến sẽ được tiêm chủng.
Indonesia đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca nhiễm ở nhóm trẻ từ 0-18 tuổi chiếm 13% tổng số ca nhiễm. Tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ ở Indonesia hiện vào khoảng 38% dân số 270 triệu người.
Quốc gia Đông Nam Á này đã hứng chịu một trong những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất châu Á, nhưng trong những tháng gần đây, số ca nhiễm đã giảm mạnh, với mức trung bình hằng ngày khoảng 400 ca trong tháng trước, so với khoảng 40 nghìn ca/ngày hồi tháng 7.
Ở châu Á, Trung Quốc đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên, trong khi Campuchia cũng đã tiến hành tiêm vaccine cho trẻ từ 6-12 tuổi từ tháng 9. Tuần trước, Singapore cũng công bố kế hoạch dự kiến tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trước khi kết thúc năm nay.