Khu công nghiệp Biên Hòa 1 tiền thân là khu kỹ nghệ Biên Hòa ra đời từ năm 1963 nên hạ tầng xây dựng theo công nghệ cũ, thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, dù đã được nhiều lần nâng cấp.
Mỗi ngày, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 xả hơn 9.000m3 nước thải, nhưng chỉ có hơn 1.000m3 được đấu nối qua khu công nghiệp Biên Hòa 2 để xử lý. Phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Ðồng Nai.
Khoảng hơn 20 năm trước, Tỉnh ủy Ðồng Nai đã có chủ trương di dời, chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 có tổng diện tích 335ha, nằm sát bờ sông Ðồng Nai, đoạn qua địa bàn thành phố Biên Hòa để góp phần bảo vệ nguồn nước, chỉnh trang đô thị.
Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai đề xuất chuyển đổi công năng của khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ. Năm 2009, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh Ðồng Nai đã ban hành lộ trình thực hiện với tổng kinh phí dự kiến hơn 15.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi khu công nghiệp này không có bước tiến triển nào vì thiếu cơ chế triển khai. |
Ngày 28/1/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp nước ta. Ðây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Ðồng Nai có thể thực hiện các thủ tục di dời các doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường lưu vực sông Ðồng Nai và chỉnh trang đô thị ven sông khu vực này. |
Trong 3 năm gần đây, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có những chỉ đạo rất rốt ráo thực hiện chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ. Năm 2023, đề án được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. |
Tháng 1/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo đó, đề án được tách hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị thương mại-dịch vụ Biên Hòa 1 thành 2 hồ sơ với quy mô từng dự án. |
Dự án khu vực Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Đồng Nai với quy mô diện tích khoảng 44ha. Hiện nay, tại khu vực này đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 6ha và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5ha đã hoàn thành đưa vào sử dụng. |
Dự án khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286ha; trong đó, có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm: Tòa nhà Sonadezi, diện tích khoảng 1,2ha và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, diện tích khoảng 2,2ha. Do vậy, khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 sau khi giảm diện tích 2 khu vực trên còn hơn 283ha. |
Mục tiêu của đề án là xây dựng một khu đô thị-dịch vụ-thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, tạo bộ mặt mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói riêng và thành phố Biên Hòa nói chung; Cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai. |
Về thời gian di dời các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành trước tháng 12/2024; giai đoạn 2, hoàn thành trước tháng 12/2025. |
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi khu kỹ nghệ Biên Hòa. Từ sau năm 1975, khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
Khó khăn đặt ra hiện nay là địa điểm dự kiến, số lượng doanh nghiệp di dời, phí thuê đất và phí sử dụng hạ tầng trung bình tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 và khu công nghiệp Giang Điền có sự chênh lệch. |
Ngoài ra, nhiều vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách hỗ trợ di dời và vấn đề liên quan người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 khi thực hiện di dời. |
Thời điểm hiện tại, có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại khu công nghiệp Biên Hòa 1. Theo tính toán, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đề án là hơn 7.500 tỷ đồng. |