Hội Mùa vàng Bình Liêu được tổ chức khi khắp các bản làng vùng cao Bình Liêu rực rỡ sắc vàng của lúa chín rộ trên những thửa ruộng bậc thang, đây cũng là thời điểm đồng bào các dân tộc vùng cao tất bật vào vụ gặt lúa, phơi thóc, chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới.
Với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, kính dâng thành quả lao động, cảm tạ trời đất, tổ tiên và cầu mong gia đình no ấm, khỏe mạnh, đồng thời là dịp để gia đình, dòng họ gặp gỡ sum vầy, lễ mừng cơm mới từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh độc đáo, đặc sắc được đồng bào dân tộc nơi đây gìn giữ.
Ông La Văn Lưu ở xã Lục Hồn chia sẻ: "Gia đình tôi rất hào hứng và đã dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, chuẩn bị sẵn thực phẩm để có những mâm cơm đơn giản nhưng ấm cúng mời du khách. Chúng tôi mong muốn giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và mang lại những trải nghiệm gần gũi, chân thực hơn cho du khách về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu".
Nét đặc trưng trong lễ mừng cơm mới của người Tày ở Bình Liêu là món xôi nếp nấu với nước lá gừng tươi. Xôi được nấu từ gạo nếp ngon nhất vừa thu hoạch, đồ chín, rồi quét nước lá gừng để có mầu xanh đẹp mắt. Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng ấm của lá gừng đã làm nên một món ăn riêng có.
Mâm cơm kính dâng lên các vị thần, tổ tiên dịp lễ mừng cơm mới ngoài xôi lá gừng còn có món khâu nhục, thịt gà, thịt ngan, cá chép..., những món ăn tuy mộc mạc, nhưng đều là những sản vật của ruộng đồng, được bà con nuôi, trồng cẩn thận suốt cả một năm để dành đến dịp lễ.
Du khách có thể vừa tham dự nghi lễ mừng cơm mới được tổ chức tại đình Lục Nà, vừa được thưởng thức cơm mới tại gia đình một số hộ dân hoặc các quán ăn, homestay trên địa bàn tại xã Lục Hồn.
Cùng với ngắm mùa lúa chín vàng, chụp ảnh check-in, du khách có thể tham gia hoạt động trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang. Hoạt động này kéo dài đến khi kết thúc vụ gặt.
Đến với Hội Mùa vàng, du khách còn được hòa mình vào không khí sôi động của những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, tung còn và cổ vũ hết mình cho những cô gái Sán Chỉ quấn khăn, mặc váy đá bóng. Hình ảnh những "bóng hồng" mặc váy đá bóng đã tạo nên thương hiệu của du lịch ở Bình Liêu. Thú vị hơn, du khách còn có thể tham dự nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ được người dân tái hiện lại tại thôn Ngàn Pạt.
Đặc biệt, tại Hội Mùa vàng, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới tại Bình Liêu đó là thưởng lãm vẻ đẹp mùa vàng từ dù lượn. Du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt... cũng như mãn nhãn với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của miền sơn cước Bình Liêu từ cánh dù bay lượn giữa không trung.
Bên cạnh đó du khách còn được trải nghiệm chèo súp, lần đầu tiên được tổ chức trên tuyến sông Tiên Yên thuộc địa phận Bình Liêu.
Cùng với việc được trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trong khuôn khổ Hội Mùa vàng, du khách có thể khám phá Bình Liêu với thiên đường cỏ lau nở trắng dọc cung đường tuần tra biên giới. Những bông lau trắng muốt phủ kín sườn đồi làm nên vẻ đẹp hết sức lãng mạn nơi vùng biên.
Và sẽ thật thiếu sót nếu du khách bỏ qua thử thách chinh phục những cột mốc tại Bình Liêu, đặc biệt là cột mốc 1305 - nơi được mệnh danh là "sống lưng khủng long".
Bay trên mùa vàng Bình Liêu, bạn sẽ được phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh thiên nhiên núi rừng Bình Liêu bát ngát, hùng vĩ và vô cùng nên thơ, tận hưởng cảm giác tự do, phóng khoáng mà chỉ khi được trải nghiệm thì bạn mới cảm nhận được hết vẻ quyến rũ của cảnh đẹp thiên nhiên vùng cao nơi đây.