Chị Lệ chia sẻ: Trước đây tôi luôn lo lắng về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn bán trú của con. Nếu triển khai được phần mềm thực đơn sẽ giúp phụ huynh chúng tôi an tâm hơn khi con em mình đi học được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh.
Niềm vui của chị Lệ và các phụ huynh là điều dễ hiểu. Nhiều năm qua, cơ quan chức năng phát hiện một số công ty, cơ sở chế biến “tuồn” thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bếp ăn trường học. Nhiều trường cung cấp các suất ăn không đúng với thực đơn được công khai khiến phụ huynh khó kiểm soát được tình trạng dinh dưỡng của con em mình.
Có nhiều trường tiểu học thực hiện mô hình trường bán trú, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc tự nấu ăn cho nên phải ký hợp đồng với cơ sở bên ngoài để cung cấp các suất ăn cho học sinh. Mọi ký kết từ nguồn gốc thực phẩm, chất lượng bữa ăn đều bảo đảm trên giấy tờ, nhưng vấn đề về kiểm định, giám sát quy trình chế biến vẫn còn sơ sài.
Trong lứa tuổi tiểu học từ sáu đến 10 tuổi, những bữa ăn hằng ngày không những giúp trẻ phát triển về thể chất, mà còn cung cấp năng lượng cho trẻ học tập. Để giải quyết các tình trạng nêu trên, việc ngành giáo dục quan tâm triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn; công khai thực đơn bán trú trong ngày; thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày là điều cần thiết. Điều đó không chỉ bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh mà còn góp phần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, một vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.