Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo, số người đang đối mặt với đói nghèo tại 43 quốc gia trên thế giới đã tăng lên thành 45 triệu người, so với mức 42 triệu người vào hồi đầu năm nay. Giám đốc điều hành WFP David Beasley (Đ.Bi-xli) cho biết, đứng trước tình cảnh thiếu ăn trầm trọng, nhiều gia đình “cực chẳng đã” đành phải đưa ra quyết định cho con cái nghỉ học, kết hôn sớm… Thậm chí, ở Madagascar, nơi nạn đói đang dồn nhiều gia đình vào đường cùng, người dân phải ăn châu chấu, cây xương rồng và các cây mọc dại để duy trì sự sống.
An ninh lương thực toàn cầu cũng là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hàng loạt hội nghị quốc tế suốt thời gian qua. Theo WFP, những nguồn tài trợ truyền thống, vốn là “phao cứu sinh” cho các nước nghèo, hiện đang “quá tải”. Chi phí để ngăn chặn nạn đói toàn cầu đã tăng lên mức 7 tỷ USD so với mức 6,6 tỷ USD vào đầu năm 2021.
Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày sự mong manh của các hệ thống lương thực toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần giải quyết bài toán mất an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giải quyết tình trạng đói nghèo cần bắt đầu với việc thúc đẩy phục hồi kinh tế ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Điều đó cũng có nghĩa rằng, cần phải tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cho các nước này, vì tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp chính là trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế.
Còn theo Liên hợp quốc, thế giới cần quyết liệt “đại tu” hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm, với một quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Một số nước triển khai những ý tưởng độc đáo, trong đó có phát triển mô hình “nông trại đô thị”, tận dụng mọi không gian như nóc tòa cao ốc, ban-công, bãi đỗ xe… để trồng trọt, đồng thời chuyển đổi những không gian cằn cỗi thành mảnh đất xanh tươi.
Giới chuyên gia dự báo, ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính đạt 9,3 tỷ người vào năm 2050. Đây là “hồi chuông” thúc giục các nước khẩn trương phối hợp hành động để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận đầy đủ lương thực, qua đó cải thiện sức khỏe cộng đồng vì một tương lai bền vững của toàn cầu.