Việc xây dựng tổng cộng 21 lò phản ứng điện hạt nhân tại Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2031. Những lò phản ứng này được đặt tại nhiều bang, như Gujarat, Rajasthan, Tamil Nadu…
Ngoài ra, Ấn Độ đang thảo luận với Pháp và Mỹ về việc hợp tác xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ cỡ lớn ở các bang Maharashtra và Andhra Pradesh của Ấn Độ.
Hàn Quốc: Hải quân tập trận
Ngày 4-1, Hải quân Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trong năm 2019 nhằm tái khẳng định cam kết duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ. Cuộc tập trận này có sự tham gia của một số tàu chiến và một máy bay lên thẳng. Địa điểm tập trận là vùng biển phía nam vùng đệm mà hai miền Triều Tiên lập ra gần biên giới trên biển giữa hai bên hồi năm 2018 để giảm căng thẳng và ngăn chặn các cuộc đụng độ.
Sau cuộc gặp cấp cao liên Triều lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 9-2018, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký thỏa thuận quân sự, trong đó có việc thiết lập các vùng đệm trên mặt đất, trên không và trên biển để ngăn chặn mọi hành động thù địch.
Iran: Bác bỏ cảnh báo của Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Iran J.Zarif ngày 3-1 bác bỏ cảnh báo của Mỹ về việc tiến hành phóng các thiết bị không gian và thử tên lửa, đồng thời khẳng định hành động này không vi phạm nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc. Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran vào đầu tháng 2 tới, Teheran đã lên kế hoạch phóng vệ tinh Payam lên quỹ đạo 500 km bằng tên lửa Simorgh. Truyền thông Iran cho biết, vệ tinh Payam nặng 100 kg, được trang bị bốn camera, có thể sử dụng cho nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như vào các mục đích hòa bình khác.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo cảnh báo Iran không nên thực hiện kế hoạch nêu trên, với lý do việc này sẽ vi phạm nghị quyết 2231, đồng thời cho rằng sẽ “gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh quốc tế”. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Iran cần “ngừng mọi hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo nhằm tránh phải đối mặt với sự cô lập hơn nữa về kinh tế và ngoại giao”.
Anh: Thỏa thuận Brexit gặp khó khăn
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 4-1 cho thấy, phần lớn nghị sĩ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh T.May phản đối thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với Liên hiệp châu Âu (EU). Trong số 1.215 thành viên đảng Bảo thủ trả lời thăm dò ý kiến do YouGov tiến hành, có 59% phản đối thỏa thuận Brexit của bà T.May, chỉ 38% ủng hộ. Theo kế hoạch, văn kiện này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 14-1 tới.
Chính phủ Anh đã chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp Anh cảnh báo “Brexit cứng” sẽ gây xáo trộn lớn như hàng hóa ứ đọng tại các cảng, thêm nhiều chốt kiểm soát biên giới... Trong khi đó, Bộ trưởng Brexit S.Barcley cảnh báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit lần thứ hai sẽ chỉ làm nghiêm trọng hơn tình trạng chia rẽ hiện nay. Ông cũng khẳng định sẽ không có cuộc trưng cầu nào trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 tới.