Ấn Độ phóng vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo

NDO -

NDĐT- Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vừa phóng thành công tên lửa đẩy PSLC-C43 mang theo vệ tinh quan sát Trái đất của nước này cùng 30 vệ tinh khác lên quỹ đạo vào sáng hôm nay.

Tên lửa đẩy PLSV-C43 rời khỏi bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan nằm trên đảo Sriharikota, Ấn Độ, ngày 29-11. Ảnh: Twitter
Tên lửa đẩy PLSV-C43 rời khỏi bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan nằm trên đảo Sriharikota, Ấn Độ, ngày 29-11. Ảnh: Twitter

Đúng 9 giờ 58 phút (giờ địa phương) ngày 29-11, vệ tinh quan sát Trái đất của Ấn Độ mang tên HysIS cùng 30 vệ tinh khác được gắn vào tên lửa đẩy PSLV-C43 đã được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (SDSC) nằm trên đảo Sriharikota thuộc khu vực Vịnh Bengal, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ).

Thông cáo từ ISRO cho biết: “Tên lửa đẩy PSLC-C43 đã được phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan nằm trên đảo Sriharikota, mang theo 31 vệ tinh, bao gồm cả vệ tinh HysIS của Ấn Độ. Sau khi tách rời khỏi tên lửa đẩy PSLV-C43, vệ tinh HysIS của Ấn Độ sẽ vào vị trí quỹ đạo của nó cách mặt đất 636 km với độ nghiêng 97,957 độ”.

Các quan chức cho biết, vệ tinh HysIS sẽ chụp các bức ảnh toàn cảnh của Trái đất tại nhiều thời điểm khác nhau và hoạt động trong vòng năm năm. Đồng thời, vệ tinh HysIS sẽ phủ sóng toàn cầu và cung cấp các dữ liệu giá trị về nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường địa lý, các vùng ven biển và nội thuỷ.

Cùng được phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy PSLC-C43 lần này còn có 30 vệ tinh khác từ tám quốc gia, gồm 29 vệ tinh nano và một vệ tinh siêu nhỏ (micro). Trong số các vệ tinh này, có 22 vệ tinh nano và 1 vệ tinh micro của Mỹ, sáu vệ tinh còn lại là của các quốc gia: Tây Ban Nha, Australia, Canada, Phần Lan, Hà Lan và Colombia.

Đây là lần thứ hai trong tháng này Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo.

Trước đó, vào ngày 14-11, tổ chức này đã phóng thành công thiết bị đẩy GSLV Mark III mang theo vệ tinh liên lạc GSAT-29 lên quỹ đạo.

* Ấn Độ đưa 31 vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng