Ấn Độ cũng là quốc gia ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 theo ngày lớn nhất thế giới, với 3.920 ca tử vong trong ngày 6-5.
Theo sau nước này về số ca mắc và tử vong do Covid-19 theo ngày là Brazil với thêm 72.559 ca mắc và 2.531 ca tử vong, Mỹ với thêm 46.424 ca mắc và 849 ca tử vong.
Một số quốc gia khác ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày ở mức hơn 20 nghìn ca gồm: Argentina (24.086 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (22.388 ca), Pháp (21.712 ca),…
Cũng theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 8 giờ sáng 7-5 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 134.855.268 ca bệnh Covid-19 được điều trị khỏi, 18.548.532 ca đang được điều trị trong đó có 109.354 ca đang trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.
Tại Đông - Nam Á, từ sáng 6-5, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Theo đó, người dân đã được phép đi lại bình thường trong khi một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa. Báo cáo trong ngày 6-5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới Covid-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca và 114 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này đã có thêm 105 ca mắc mới, đánh dấu lần thứ ba kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch Covid-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức ba con số. Toàn bộ các ca mắc mới đều là ca mắc trong cộng đồng. Tính tới chiều 6-5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc Covid-19, trong đó có 61 ca là người Việt. Hiện Lào là một trong số ít quốc gia trên thế giới chưa có bệnh nhân nào tử vong do Covid-19.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu cảnh sát bắt giữ những người không đeo khẩu trang đúng quy cách, thí dụ như không đeo khẩu trang kín mũi. Chỉ thị trên được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Duterte và lực lượng đặc nhiệm phòng, chống Covid-19, trong bối cảnh quốc gia Đông = Nam Á này đang chật vật đối phó với số ca mắc mới gia tăng.
Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, hàng nghìn người dân Philippines đã bị phạt do vi phạm các quy định phòng chống Covid-19, khi nhà chức trách siết chặt hạn chế ở Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận do số ca nhiễm mới gia tăng. Hiện Philippines là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao thứ hai trong khu vực Đông - Nam Á, sau Indonesia. Trong ngày 6-5, nước này ghi nhận thêm 6.637 ca mắc và 191 ca tử vong do Covid-19.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine, ngày 6-5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, nếu thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì đến năm 2024, việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới sẽ không thể hoàn tất.
Hiện Mỹ đã cam kết chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca với các nước và ngày 5-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19.
Ngoại trưởng Blinken cũng đề cập tới khả năng việc miễn trừ bản quyền sáng chế sẽ giúp tăng đáng kể việc sản xuất và phân phối vaccine cho người dân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, phát biểu trước Hạ viện Canada ngày 6-5, Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cho biết, nước này sẽ tham gia các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để xem xét việc từ bỏ các quy tắc được áp dụng trên quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ bí mật thương mại đối với vaccine phòng Covid-19.
Về lý thuyết, việc từ bỏ Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), sẽ giúp các nước đang phát triển nhập khẩu công nghệ, thiết bị và thành phần cần thiết để sản xuất vaccine của riêng mình một cách dễ dàng hơn.
Ngày 6-5, Văn phòng khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát một làn sóng mới dịch Covid-19 trên lục địa này do sự chậm trễ ngày càng tăng trong việc tiêm chủng tại châu Phi so với phần còn lại của thế giới.
Theo tuyên bố của WHO, mặc dù một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong việc triển khai vaccine, song tính đến thời điểm hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 1% số liều vaccine được sử dụng trên thế giới, so với 2% cách đây vài tuần. Chỉ có khoảng một nửa trong số 37 triệu liều vaccine phòng, chống Covid-19 mà châu Phi nhận được đã được sử dụng cho đến nay.
Ngày 6-5, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố, nước này sẽ cho phép tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của hãng dược AstraZeneca cho tất cả người trưởng thành thuộc mọi lứa tuổi, đảo ngược một quyết định trước đó hạn chế tiêm loại vaccine này cho nhóm người hơn 60 tuổi. Bộ trưởng Spahn cũng cho biết, Đức dự kiến cung cấp một loại vaccine phòng Covid-19 cho nhóm người thuộc độ tuổi 12-18 vào trước cuối tháng 8, nếu các cơ quan quản lý cấp phép cho sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech đối với nhóm tuổi đó.
Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ, sáng 7-5 (giờ Việt Nam).
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
- Mỹ: 33.367.797 ca mắc, 593.995 ca tử vong
- Ấn Độ: 21.485.285 ca mắc, 234.071 ca tử vong
- Brazil: 15.009.023 ca mắc, 417.176 ca tử vong
- Pháp: 5.728.090 ca mắc, 105.850 ca tử vong
- Thổ Nhĩ Kỳ: 4.977.982 ca mắc, 42.187 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông - Nam Á:
- Indonesia: 1.697.305 ca mắc, 46.496 ca tử vong
- Philippines: 1.080.172 ca mắc, 17.991 ca tử vong
- Malaysia: 427.927 ca mắc, 1.610 ca tử vong
- Myanmar: 142.874 ca mắc, 3.210 ca tử vong
- Thái Lan: 76.811 ca mắc, 336 ca tử vong
- Singapore: 61.286 ca mắc, 31 ca tử vong
- Campuchia: 17.621 ca mắc, 114 ca tử vong
- Việt Nam: 3.090 ca mắc, 35 ca tử vong
- Timor-Leste: 2.870 ca mắc, 4 ca tử vong
- Lào: 1.177 ca mắc
- Brunei: 228 ca mắc, 3 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
- Châu Âu: 45.208.252 ca mắc, 1.028.480 ca tử vong
- Châu Á: 42.485.041 ca mắc, 552.512 ca tử vong
- Bắc Mỹ: 38.696.360 ca mắc, 868.308 tử vong
- Nam Mỹ: 25.569.774 ca mắc, 694.573 ca tử vong
- Châu Phi: 4.649.033 ca mắc, 123.937 ca tử vong
- Châu Đại dương: 63.653 ca mắc, 1.209 ca tử vong