Theo một quan chức của cơ quan kiểm soát tình huống khẩn cấp thành phố Balasore, bang Odisha, tất cả các thi thể và nạn nhân bị thương đã được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn.
Ông Sudhanshu Sarangi, Giám đốc Cơ quan Cứu hỏa bang Odisha cho biết, đã có 288 người thiệt mạng nhưng con số này có thể sẽ tăng tới 380. Trong khi đó, quan chức bang Odisha, ông Pradeep Jena, xác nhận đã có khoảng 900 người bị thương được đưa tới bệnh viện.
Cũng trong ngày 3/6, Thủ tướng Narendra Modi đã tới hiện trường vụ tai nạn và thăm những người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện ở thành phố Balasore.
Ông Modi khẳng định sẽ xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan để xảy ra vụ tai nạn này.
Thủ tướng Narendra Modi thị sát hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Indianexpres) |
Tai nạn xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 2/6 (giờ địa phương), khi một đoàn tàu cao tốc đang chạy theo hướng nam-bắc, từ thành phố Bengaluru (bang Karnataka) đến thành phố Kolkata (bang Tây Bengal), bị trật đường ray ở Balasore, bang Odisha, một số toa văng gần đường ray bắc-nam.
Vài phút sau, một đoàn tàu khác chạy theo hướng bắc-nam, từ Kolkata sang Chennai (bang Tamil Nadu) lao vào đoàn tàu bị trật đường ray nêu trên, khiến một số toa lao vào một đoàn tàu chở hàng đậu gần đó. Như vậy, có 2 tàu chở khách và 1 tàu chở hàng liên quan vụ tai nạn này.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua nước này đã phải hứng chịu một số thảm kịch đường sắt. Trong đó, vụ tai nạn nghiêm trọng nhất đã xảy ra vào năm 1981, khi một đoàn tàu bị trật đường ray trong lúc di chuyển qua cầu tại bang Bihar và lao xuống sông. Hậu quả là ít nhất 800 người đã thiệt mạng.