Ấn Độ công bố sứ mệnh không gian mới nghiên cứu Mặt trời

NDO - Đài quan sát Aditya-L1 của Ấn Độ sẽ được đưa vào không gian để nghiên cứu gió Mặt trời, vốn là nguyên nhân gây ra các trận bão từ và có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang trên Trái đất.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/8 vừa qua, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt trăng, đánh dấu cột mốc mới trong nỗ lực trở thành cường quốc vũ trụ của quốc gia này. (Ảnh: Reuters)
Ngày 23/8 vừa qua, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt trăng, đánh dấu cột mốc mới trong nỗ lực trở thành cường quốc vũ trụ của quốc gia này. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc đổ bộ thành công lên bề mặt Mặt trăng của tàu thăm dò Chandrayaan-3, cơ quan vũ trụ Ấn Độ mới đây đã ấn định thời điểm thực hiện sứ mệnh không gian tiếp theo, và lần này là nghiên cứu Mặt trời.

Chia sẻ với phóng viên tại trung tâm chỉ huy vệ tinh, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) S. Somanath cho biết, Aditya-L1 - đài quan sát không gian nghiên cứu Mặt trời của nước này đã sẵn sàng để phóng tại cảng vũ trụ chính ở Sriharikota.

Theo người đứng đầu ISRO, thời điểm phóng dự kiến là trong tuần đầu tháng 9.

Nhiệm vụ của Aditya-L1 là gì?

Aditya trong tiếng Hindi có nghĩa là Mặt trời. Đây là tàu thăm dò nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ đặt trong không gian, với nhiệm vụ tìm hiểu về gió Mặt trời, vốn là nguyên nhân gây nhiễu loạn từ trường của Trái đất và có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang trên hành tinh của chúng ta.

Về lâu dài, dữ liệu thu thập được từ sứ mệnh Aditya-L1 có thể giúp hiểu rõ hơn về tác động của Mặt trời đối với các kiểu khí hậu trên Trái đất.

Các nhà khoa học mới đây cho biết, tàu thăm dò của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và NASA đã phát hiện nhiều tia hạt tích điện tương đối nhỏ thoát ra từ vành nhật hoa (corona) - vùng thượng quyển của Mặt trời. Việc nghiên cứu những tia hạt này có thể giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của gió Mặt trời.

Aditya-L1 sẽ di chuyển bao xa?

Được đưa vào không gian bởi thiết bị phóng hạng nặng PSLV, tàu Aditya-L1 sẽ di chuyển 1,5 triệu km trong khoảng 4 tháng để nghiên cứu khí quyển của Mặt trời.

Điểm đến của Aditya-L1 sẽ là một vị trí trong không gian, nơi các vật thể có xu hướng đứng yên do lực hấp dẫn đạt trạng thái cân bằng, nhờ đó có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Những vị trí này được gọi là điểm Lagrange, đặt theo tên nhà toán học người Italia gốc Pháp Joseph-Louis Lagrange.

Sứ mệnh này tiêu tốn bao nhiêu?

Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt khoản ngân sách khoảng 46 triệu USD để thực hiện sứ mệnh Aditya-L1. Tuy nhiên, phía ISRO hiện vẫn chưa cập nhật con số chính thức.

ISRO được biết đến với khả năng cạnh tranh vượt trội về chi phí so với các quốc gia khác trên thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật vũ trụ.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 thăm dò Mặt trăng của Ấn Độ có kinh phí khoảng 75 triệu USD.