Ấn Độ ăn mừng thành công trong hành trình khám phá Mặt trăng

NDO - Ngày 23/8, sự kiện tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng đã được phát trực tiếp trên YouTube và thu hút gần 7 triệu lượt xem. Từ New Delhi, các nhà khoa học và nhà chức trách Ấn Độ đã vỡ òa trong niềm vui khi chứng kiến bước ngoặt trọng đại trong ngành nghiên cứu vũ trụ của nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Người đàn ông Ấn Độ cầm quốc kỳ nước này và mô hình tên lửa LVM3-M4 mang theo tàu đổ bộ Chandrayaan-3. (Ảnh: Reuters)
Người đàn ông Ấn Độ cầm quốc kỳ nước này và mô hình tên lửa LVM3-M4 mang theo tàu đổ bộ Chandrayaan-3. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người đang có mặt tại Nam Phi để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS, đã theo dõi sự kiện tàu đổ bộ của nước này hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ niềm vui trước toàn thế giới, ông Modi khẳng định: "Sứ mệnh lên Mặt trăng thành công của Ấn Độ không chỉ của riêng Ấn Độ. 2023 là năm thế giới chứng kiến Ấn Độ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Cách tiếp cận của chúng tôi với một Trái đất, một gia đình, một tương lai đang tạo được tiếng vang trên toàn cầu".

“Cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm mà chúng tôi thực hiện và đại diện đã được hoan nghênh trên toàn cầu. Sứ mệnh chinh phục Mặt trăng của chúng tôi cũng dựa trên cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm... Vì vậy, thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và nó sẽ hỗ trợ các sứ mệnh khám phá Mặt trăng của các quốc gia khác trong tương lai”, ông Modi nêu rõ.

Ấn Độ ăn mừng thành công trong hành trình khám phá Mặt trăng ảnh 1

Thủ tướng Narendra Modi vẫy cờ của Ấn Độ trong lúc theo dõi trực tuyến tàu đổ bộ của nước này hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng. (Nguồn: ISRO)

Sự kiện tàu đổ bộ của Ấn Độ hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng đã được phát trực tiếp trên YouTube và thu hút gần 7 triệu lượt xem.

Ấn Độ đang ở trên Mặt trăng.

- Ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO)

Từ New Delhi, các nhà khoa học và nhà chức trách Ấn Độ đã vỗ tay, reo hò và cùng vỡ òa trong niềm vui khi chứng kiến một bước ngoặt trọng đại trong ngành nghiên cứu vũ trụ của nước này.

"Ấn Độ đang ở trên Mặt trăng", ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chia sẻ.

Ít nhất 500 người đã tập trung trong khán phòng và bên ngoài Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ ở New Delhi, nơi phát trực tiếp hình ảnh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đáp xuống bề mặt Mặt trăng, để chứng kiến thời khắc lịch sử này.

Ông Rahul Gandhi, một nghị sĩ của Ấn Độ đánh giá: Sự kiện tàu Chandrayaan-3 đáp xuống cực nam Mặt trăng - nơi chưa có tàu vũ trụ nào từng đến, là kết quả của nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ, khéo léo của cộng đồng khoa học Ấn Độ. Kể từ năm 1962, chương trình không gian của Ấn Độ đã tiếp tục mở rộng quy mô lên tầm cao mới và truyền cảm hứng cho ước mơ của thế hệ trẻ.

Ấn Độ ăn mừng thành công trong hành trình khám phá Mặt trăng ảnh 2

Từ New Delhi, các nhà khoa học và nhà chức trách Ấn Độ đã vỗ tay khi chứng kiến bước ngoặt trọng đại trong ngành nghiên cứu vũ trụ của nước này. (Nguồn: ISRO)

Tàu vũ trụ của Ấn Độ đã đến gần cực nam của Mặt trăng hơn bất cứ tàu thám hiểm vũ trụ nào trong lịch sử. Vùng cực nam của Mặt trăng được coi là khu vực mang lại lợi ích quan trọng cả về chiến lược và khoa học đối với các quốc gia tham gia sứ mệnh du hành vũ trụ.

Các nhà khoa học cho rằng đây là khu vực có nước đóng băng. Nếu tồn tại với số lượng đủ thì nước đóng băng có thể làm nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt trăng và giúp làm mát thiết bị. Nước đóng băng cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt trăng.