NASA công bố 2 sứ mệnh mới nghiên cứu thời tiết vũ trụ

NDO -

Cả 2 sứ mệnh này sẽ tập trung vào nguồn gốc của “gió Mặt trời” và sự hỗn loạn bên trong nó.

Gió Mặt trời có tính hỗn loạn và có thể làm hỏng công nghệ trên Trái đất cũng như trong không gian. (Ảnh: ESA/PA)
Gió Mặt trời có tính hỗn loạn và có thể làm hỏng công nghệ trên Trái đất cũng như trong không gian. (Ảnh: ESA/PA)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã công bố 2 sứ mệnh không gian mới-MUSE và HelioSwarm-nhằm nghiên cứu thời tiết vũ trụ và môi trường thay đổi liên tục bên ngoài không gian.

Vũ trụ chứa đầy các hạt mang điện và các từ trường bắt nguồn từ Mặt trời. Luồng hạt tích điện và từ trường này, hay còn gọi là “gió Mặt trời”, có tính hỗn loạn và có thể làm hỏng công nghệ trên Trái đất cũng như trong không gian.

Vì là một dạng bức xạ nên “gió Mặt trời” cũng có thể gây hại cho các phi hành gia. Hai sứ mệnh mới của NASA sẽ nghiên cứu nguồn gốc của “gió Mặt trời” và sự hỗn loạn bên trong nó.

Sứ mệnh MUSE sẽ nghiên cứu các lực gây ra sự đốt nóng tầng khí quyển bên ngoài của Mặt trời (nhật quyển), cũng như “lóa Mặt trời” và “phun trào nhật hoa” gây ra thời tiết vũ trụ. Để làm được điều này, một máy ảnh sẽ được sử dụng để ghi lại bức xạ tia cực tím phát ra từ luồng khí nóng trong vùng nhật quyển.

Sứ mệnh thứ 2, HelioSWARM, bao gồm một cụm 9 tàu vũ trụ nhỏ sẽ bay theo đội hình để đo đồng thời những thay đổi của “gió Mặt trời” trên một khu vực rộng lớn hơn ngoài không gian. Điều này sẽ cho phép tiến hành nghiên cứu quy mô lớn, tại chỗ đầu tiên về sự nhiễu loạn trong “gió Mặt trời”.

Hai sứ mệnh trên có tổng kinh phí lần lượt là 192 triệu USD và 250 triệu USD, dự kiến được khởi động chậm nhất vào tháng 2/2026.