Âm thầm làm việc thiện

22 ngôi mộ có tên và không có tên đã được tập kết về nghĩa trang nhân dân thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh (Ba Vì), một phần nhờ công sức của ông Nguyễn Đỗ Phú, một cựu chiến binh ở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa.

Một góc Vườn quốc gia Ba Vì.
Một góc Vườn quốc gia Ba Vì.

Theo ông Phú cho biết, đó là những ngôi mộ các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc Trung đoàn 658, Sư đoàn 338 do Thiếu tướng Tô Ký làm Sư đoàn trưởng. Sư đoàn 338 sau khi tập kết ra bắc vừa rèn luyện lên chính quy hiện đại, vừa xây dựng kinh tế, thành lập các nông trường Quân đội Cửu Long, Xuân Mai. Còn Trung đoàn 658 đóng quân chạy dài từ Hòa Lạc đến Ba Trại thành lập các đại đội sản xuất, chăn nuôi bò sữa.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực vành đai chân núi Ba Vì là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Các chiến sĩ Trung đoàn 658 đã ngày đêm đổ công sức tháo dỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, đào mương đắp đập, biến vùng đất chết thành ruộng, nương, thành các nông lâm trường trạm trại như bây giờ.

Trong số 22 người thì có bốn người vô danh, phần lớn chết vào khoảng từ năm 1961 đến 1972. Là thương binh, tham gia chiến đấu ở khu vực Sài Gòn, năm 1976 xuất ngũ về nông trường Ba Vì công tác, đến 1982 nghỉ hưu, ông Phú đã luôn tâm niệm, việc tập kết những đồng chí này vào một nơi an nghỉ. Sống ở nông trường lâu, qua tìm hiểu, ông Phú đều biết họ không có người thân thích, không có vợ, có con, cuộc sống khó khăn lại bệnh tật. Những năm chiến tranh ác liệt như vậy, ông Phú biết là họ không thể trở về quê hương mà đợi ngày đất nước được thống nhất. Sau chiến tranh, ông Phú tìm tòi, hỏi han để tìm đến những ngôi mộ này, chăm sóc, gìn giữ, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương, một số đồng đội để đưa dần các ngôi mộ về nghĩa trang nhân dân thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh.

Cứ mỗi dịp Tết, dịp 27/7 hoặc có thời gian rảnh rỗi, ông Phú lại lên thắp hương cho 22 ngôi mộ.