Ấm áp nghĩa tình đồng bào ở Ba Lan

NDO -

Hơn một tuần qua do chiến sự, khoảng hai nghìn người Việt ở Ukraine đã sang Ba Lan lánh nạn. Trong bối cảnh đó, tấm lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn hay cơ nhỡ đã lan tỏa khắp trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan, chăm lo chỗ ăn ở thật chu đáo cho bà con đến từ Ukraine.

Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hòa, liên tục hỏi thăm tình hình sức khỏe và nhu cầu của bà con.
Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hòa, liên tục hỏi thăm tình hình sức khỏe và nhu cầu của bà con.

Theo thống kê từ Đại sứ quán Việt Nam cũng như các hội đoàn người Việt và các nhóm tình nguyện có mặt ở cửa khẩu Ba Lan-Ukraine, có hơn 1.700 người Việt đã sơ tán từ các thành phố ở Ukraine sang Ba Lan tính tới ngày 6/3. Sang hôm sau có thêm nhiều người khác tiếp tục di chuyển tới Ba Lan và liên tục được đưa đón tới nhiều điểm lưu trú ở thủ đô Warszawa và các khu vực lân cận. Ước tính đã có hơn 2.000 người tới Ba Lan.

Nhờ việc triển khai tích cực trong công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam và sự giúp đỡ hết lòng của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, bà con từ Ukraine sơ tán sang đây đã có chỗ ăn ở thật ấm áp, được hòa trong không khí tràn đầy tình đồng bào sau chặng đường dài gian nan và giá lạnh.

Kể từ khi có thông tin về xung đột ở Ukraine, cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã triển khai ngay kế hoạch đưa đón, sắp xếp chỗ ăn ở cho bà con từ Ukraine sang. Từ lúc xảy ra xung đột, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan nhanh chóng lập nhóm chuyên trách về bảo hộ công dân với trực đường dây nóng 24/24 giờ, đồng thời tích cực làm việc, đề nghị Bộ Ngoại giao, cơ quan biên phòng và các cơ quan chức năng Ba Lan hỗ trợ công dân Việt Nam, nhất là những công dân không có giấy tờ đầy đủ. Đại sứ quán đã phân công các cán bộ làm việc trực tiếp với cơ quan biên phòng Ba Lan tại một số cửa khẩu có công dân Việt Nam sang sơ tán, để việc nhập cảnh cho bà con được nhanh chóng. Tiếp đó là hướng dẫn bà con di chuyển về các cơ sở lưu trú tạm thời do chính quyền sở tại hoặc Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức.

Còn cộng đồng người Việt tại Ba Lan huy động lực lượng để hỗ trợ từ cửa khẩu, đưa đón về các nơi lưu trú ở Warszawa và một số nơi khác. Trong số những cơ sở tiếp đón đồng bào từ Ukraine sang có chùa Nhân Hòa, do cộng đồng người Việt tại Ba Lan chung tay xây dựng vào năm 2014 và còn có tên gọi chính thức là Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan. Đây là điểm đón tiếp lớn nhất. Ban quản lý chùa Nhân Hoà dành toàn bộ tầng trên và dưới để bà con nghỉ ngơi.

Ấm áp nghĩa tình đồng bào ở Ba Lan -0
Hơn 1.000 lượt người đã đến lưu trú tại chùa Nhân Hòa, nơi có đủ chăn ấm do cộng đồng người Việt ở Ba La quyên góp.

Khuôn viên bên ngoài chùa chỉ có lác đác mấy người đứng nói chuyện về tình hình của các gia đình hay kế hoạch sắp tới ra sao. Bước vào trong là khung cảnh tấp nập của hàng trăm người Việt sang từ Ukraine.  

Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hoà, hầu như không được nghỉ lúc nào, hỏi han bà con về sức khỏe, về gia đình, và lại còn phải xử lý những vấn đề phát sinh trong hoàn cảnh có hàng trăm người ở chung một chỗ.  

Thầy cho biết: "Ai ở đây cũng mong bà con từ Ukraine có đủ chỗ ăn ở, lo bà con còn mệt mỏi, còn tâm trạng nặng nề do không kịp hay không thể mang theo tài sản, tiền bạc. Từ ngày 26/2 đến nay đã có hơn một nghìn lượt người đến lưu trú. Ngày đông nhất có hơn 300 người. Ở trong tình trạng quá tải, nhưng may là có nhiều tình nguyện viên tới hỗ trợ việc sắp xếp chỗ nghỉ, chuẩn bị các bữa cơm đẩy đủ chất dinh dưỡng giúp mọi người hồi phục sức khỏe sau những ngày di chuyển vô cùng vất vả, lo sợ".

Thỉnh thoảng lại có đại diện của các gia đình hay hội đoàn tới chùa trao tặng quà gồm gạo, thực phẩm hay trái cây. Chị Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa và tham gia nhóm taxi 0 đồng, chia sẻ: "Chúng tôi rất hiểu nỗi khổ của bà con từ Ukraine sang đây, không chỉ vô cùng mệt mỏi và căng thẳng trên đường đi mà còn đau xót khi mất hết tiền bạc. Nhiều người thực sự trắng tay. Thấy những hoàn cảnh như vậy, chúng tôi tự nguyện làm hết khả năng để chia sẻ và hỗ trợ bà con bằng nhiều việc thiết thực như thành lập nhóm taxi 0 đồng để đưa đón từ biên giới hay từ nhà ga về các nơi trú ngụ ở Warszawa. Chúng tôi thuê một số nơi và liên hệ các đồng hương ở đây để dồn phòng để có chỗ cho bà con từ Ukraine sang đây. Tôi cũng như mọi người ở đây tự thấy có trách nhiệm chia sẻ với bà con trong lúc bơ vơ và hoảng loạn để bà con có chỗ dựa trong những ngày này. Chúng tôi chỉ mong rằng bà con sớm ổn định tinh thần, sức khỏe dù biết rằng trắng tay".

Cùng với việc lo chỗ ăn, chỗ ngủ, cộng đồng người Việt ở Ba Lan kết nối các nơi để biết thông tin của chính quyền sở tại về việc tiếp nhận cư trú cho bà con từ Ukraine sang đây. Những ai cần di chuyển tới các thành phố khác ở Ba Lan hay sang các nước EU chung quanh đều được giúp đỡ chu đáo tới bến tàu.

Ấm áp nghĩa tình đồng bào ở Ba Lan -0
Việt kiều ở Ba Lan cùng nhau giúp đỡ bà con từ Ukraine sang cả ngày lẫn đêm, từ thực phẩm, thuốc men cho đến vận chuyển. 

Trước tình cảnh khó khăn như vậy, nhất là với những người có tuổi và trẻ em, việc sắp xếp chỗ ăn ở được điều chỉnh từng ngày một để tránh tình trạng quá tải ở chùa. Mỗi lúc lại có tin vui cho bà con khi có thông báo về việc có thêm chỗ ở rộng rãi, thoải mái hơn ở các gia đình hay các cơ sở kinh doanh cùa người Việt ở Ba Lan.

Chị Phan Thị Minh Tâm, một phật tử tại chùa, vừa đi chợ về, tất tưởi bê thực phẩm vào bếp để chuẩn bị bữa ăn cho bà con. Mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt nhưng chị vẫn tươi cười thông báo là có thêm nhiều thực phẩm cho bà con.

Chị Minh Tâm chia sẻ: "Việc chuẩn bị ăn uống cũng rất vất vả vì có hàng trăm người ở chùa. Tôi cũng từng trải qua những ngày có chiến tranh ở Việt Nam nên rất thấu hiểu. Cả người ở đây và bà con từ Ukraine cùng lo việc bếp núc. Còn nhiều nỗi lo ở phía trước nhưng thấy bà con được ăn ngon ngủ ấm, chúng tôi thấy rất vui".

Ấm áp nghĩa tình đồng bào ở Ba Lan -0
 Khu bếp ở chùa hoạt động suốt cả ngày để có đủ đồ ăn cho hàng trăm người.

Dù đã dần tĩnh tâm sau mấy ngày di chuyển gian nan từ Kharkov ở Ukraine, chị Huyền đã mất ăn mất ngủ mấy đêm liền vì phải bỏ lại hết, cả nhà cửa, xe ô-tô, còn hàng hóa chưa thu được đồng vốn nào. Rất nhiều người rơi vào tình cảnh như chị. Chị buồn bã nói: "Tôi và nhiều người giờ trắng tay nhưng đến được đây ai cũng thấy thật may mắn. Nhiều người còn thốt lên “sống rồi,” và thật sự xúc động vì được bà con ở đây tiếp đón như người thân lâu về thăm, rồi chăm lo hết lòng. Chúng tôi vô cùng cảm động, vui rơi cả nước mắt chứ không còn lo sợ như trên đường sang đây".

Do liên tục có người đăng ký đến lưu trú, Ban quản lý chùa Nhân Hòa và cộng đồng người Việt phải gọi đi nhiều chỗ để đặt thêm 5 lều nhằm giảm tải cho khu vực bên trong. Cùng với các tình nguyện viên làm việc suốt cả ngày đêm, bà con từ Ukraine cũng coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, tham gia việc chuẩn bị bữa ăn, sắp xếp các công việc ở đây.

Vượt qua ranh giới của sự hiểm nguy, sau hai ngày được ở nơi yên ấm, anh Trung cùng đến từ  Kharkov cho biết vẫn còn cảm giác run sợ như lúc có bom rơi đạn bắn ở Ukraine. Sau hai ngày vượt chặng đường rất dài, rồi phải đợi dưới trời mưa rét ở cửa khẩu, anh và gia đình được tiếp đón rất nồng hậu, được bà con ở Ba Lan chăm lo hết lòng.

Anh Trung xúc động nói: "Không thể tin nổi là chúng tôi lại rơi vào hoàn cảnh này. Ban đầu tôi chỉ định đưa vợ con ra bến tàu đi sơ tán, còn mình phải ở lại để trông nhà cửa, khu bán hàng. Đến ga thấy tình hình không ổn, không kịp quay về nhà nữa mà phải lên tàu đi sơ tán ngay. Thật đau buồn vì chúng tôi mất hết sau bao năm tích cóp, không mang theo được gì trừ mấy bộ quần áo. Tới đây, chúng tôi được ở nơi ấm, có đủ đồ ăn do bà con ở đây tiếp tế. Cảm xúc thật khó tả, chỉ biết cám ơn và mang ơn bà con đã cưu mang, đùm bọc".  

Cơ sở kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Việt Nga cũng là một nơi tiếp đón nhiều bà con từ Ukraine. Chị Nga cho biết, ngay khi biết xảy ra xung đột và có nhiều gia đình sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan, gia đình chị đã quyết định dành hẳn khu văn phòng để đón bà con. Chị tâm sự: "Chỉ có một vài nơi có đủ điều kiện đón được nhiều người cùng lúc như chùa Nhân Hòa. Nghĩ đến cảnh bà con không có nơi ở, có thể phải vật vạ ở bến tàu, chúng tôi thu xếp rất nhanh chỗ ăn ở, rồi kêu gọi mọi người ủng hộ chăn đệm để sớm đón bà con đến ở. Chúng tôi rất vui khi thấy bà con có nơi ăn ở đầy đủ để chuẩn bị về nước hoặc đi tiếp đến nơi có người thân quen".

Một số Việt kiều ở Warszawa sẵn lòng thu dọn nơi kinh doanh, sản xuất để bố trí chỗ ăn ở có đầy đủ tiện nghi cho nhiều người cùng lúc. Tại cơ sở kinh doanh rộng rãi của anh Hòa-chị Mai, có hàng chục gia đình tá túc. Anh Lê Văn Tuyên từng sống tại thành phố Kharkov (Ukraine) thể hiện rõ sự xúc động với sự bao bọc của bà con ở Ba Lan.

Anh trải lòng: "Chúng tôi đành phải bỏ lại tất cả những gì gom góp sau bao năm làm ăn ở đó. Vợ chồng tôi dắt con đi tránh bom đạn với tâm trạng vô cùng bất an, lo sợ trên suốt chặng đường cho tới khi tới được đây. Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự cưu mang, chia sẻ của bà con ở đây, bỏ công bỏ việc và gạt sang một bên công việc làm ăn để dành chỗ ăn ở cho chúng tôi. Mong sớm có thêm chuyến bay để về quê. Mong sớm có là vậy nhưng chúng tôi biết Nhà nước ta đã làm mọi việc để bảo vệ đồng bào ở xa Tổ quốc".    

Ấm áp nghĩa tình đồng bào ở Ba Lan -0
 Anh Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, đến các nơi lưu trú của bà con để cung cấp thông tin và giúp bà con xem xét kế hoạch trong những ngày tới.

Anh Trần Trọng Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, cho biết: "Chúng tôi rất bất ngờ với tình huống xảy ra xung đột nhưng nhanh chóng bàn bạc kế hoạch đón bà con từ Ukraine sang. Sau tuần đầu tiên có nhiều khó khăn trong việc phối hợp giữa các nhóm tình nguyện để tiếp cận, hỗ trợ nơi ăn ở và cung cấp thông tin bà con người Việt, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn bà con theo đúng nhu cầu. Chúng tôi kết nối với nhiều nơi để có nhiều thông tin cập nhật về cách thức của chính quyền ở Ba Lan hay các nước EU khác trong việc tiếp đón người di tản từ Ukraine".

Theo anh Trần Trọng Hùng, bà con đã có mặt ở Ba Lan hay còn bị kẹt ở Ukraine có thể liên hệ thường xuyên với các đầu mối hỗ trợ của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Mục đích là để xác định cách di chuyển tốt nhất khỏi nơi nguy hiểm, liên hệ đúng nơi cần hỗ trợ và cân nhắc, lựa chọn nơi trú ngụ vì Ba Lan và các nước EU có chính sách cụ thể hỗ trợ người tị nạn. Từ đó, bà con có thể sớm đăng ký về Việt Nam hay di chuyển tiếp tới những nơi có người thân hay bạn bè chờ tình hình ổn định.

Ngày 9/3, chuyến bay hồi hương đầu tiên từ Ba Lan sẽ chở 270 người về Việt Nam. Đây là tin rất vui cho những người có trong danh sách được ưu tiên về trước. Còn những người ở lại tiếp tục được cộng đồng hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này và xem xét phương án ở lại hay về vào đợt tới. Dù còn tâm trạng mệt mỏi, buồn vì mất tài sản hay lo lắng chuyện học hành cho các con, bà con sơ tán từ Ukraine ai cũng cảm thấy ấm lòng trước sự chăm lo, chia sẻ của cộng đồng ở Ba Lan.