Ai Cập - Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đối đầu "Ăn miếng trả miếng"

Quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột thay đổi. An-ca-ra giáng cấp quan hệ với Cai-rô và không thừa nhận Ðại sứ Ai Cập tại nước này nhằm trả đũa quyết định tương tự đối với An-ca-ra của Cai-rô trước đó. Những động thái "ăn miếng trả miếng" nêu trên xuất phát từ rạn nứt quan hệ giữa hai bên khi Cai-rô cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn lực lượng Anh em Hồi giáo của Tổng thống bị lật đổ Mo-xi ở Ai Cập. Vậy là, sự đổ vỡ mối quan hệ vốn thuận hòa giữa hai nước trước đây lại một lần nữa làm "bầu không khí" ngoại giao ở khu vực Trung Ðông thêm căng thẳng.

Với nguyên tắc "có đi có lại", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Ðại biện lâm thời của Ai Cập tại nước này tới thông báo rằng, quan hệ song phương đã bị giáng cấp và Ðại sứ Ai Cập A.X.Din là "nhà ngoại giao không được thừa nhận". Ðộng thái trả đũa này được đưa ra ngay sau khi Ai Cập trục xuất Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ H.A.Bốt-xa-li. Nguyên nhân dẫn đến thái độ "dằn mặt nhau" này xuất phát từ phát ngôn "nhạy cảm" của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đối với Ai Cập, trong đó lên án cuộc trấn áp của lực lượng an ninh Ai Cập tại thủ đô Cai-rô nhằm vào những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ M.Mo-xi. Ai Cập cho rằng, những phát biểu của người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mang tính khiêu khích, đồng thời can thiệp công việc nội bộ nước này.

Trước đây, quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn diễn ra tốt đẹp, thậm chí trở nên nồng ấm kể từ sau làn sóng "Mùa xuân A-rập" lật đổ chế độ H.Mu-ba-rắc, đưa Tổng thống Mo-xi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Ai Cập lên nắm quyền. Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo mới của Ai Cập khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người đầu tiên thăm Ai Cập sau khi chế độ Mu-ba-rắc bị lật đổ năm 2011. Kết quả của "mối thân tình" ấy được đánh dấu bằng sự gia tăng ngoạn mục kim ngạch thương mại giữa hai nước (khoảng 27%) cũng như sự tăng nhanh số các dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ai Cập một năm sau đó. Dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Ai Cập lúc đó là Mo-xi, cho nên Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt phản đối việc ông Mo-xi bị phế truất hồi tháng 7 vừa qua, cũng như những động thái chống người biểu tình ủng hộ ông Mo-xi của chính quyền được quân đội hậu thuẫn hiện nay ở Ai Cập. Trong khi đó, Ai Cập cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tổ chức MB, can thiệp công việc nội bộ nước này, làm gia tăng nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn ở đất nước Kim tự tháp. Ai Cập cáo buộc rằng, MB vẫn có âm mưu chống chính quyền hiện nay thông qua các cuộc gặp bí mật của tổ chức này ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế cho thấy, cũng như nhiều nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu cũng nằm trong số những nước cổ súy cho làn sóng "Mùa xuân A-rập" ở khu vực Trung Ðông, Bắc Phi. Tuy nhiên, sau đó, phong trào này đã biến thành "cơn bão", làm chao đảo cả khu vực. Và, chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình, châm ngòi cho các vụ bạo lực, có lúc nguy cơ đẩy nước này vào khủng hoảng. An-ca-ra có lúc đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười". Từng là một mô hình kiểu mẫu về "dân chủ" và "phát triển" ở khu vực, là "cánh tay đắc lực" của Mỹ trong việc hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Xy-ri, vậy mà năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cuốn vào làn sóng biểu tình và bạo lực, đồng thời ngày đêm phải lo đối phó các nhóm khủng bố liên quan An Kê-đa đang vượt biên giới nước này vào lập căn cứ ở nước láng giềng Xy-ri. Tình trạng bạo loạn và bất ổn nảy sinh sau "Mùa xuân A-rập" đang buộc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cách tiếp cận với các nước láng giềng ở khu vực. Nước này đã có những động thái hàn gắn rạn nứt quan hệ với I-rắc, I-ran với hàng loạt các chuyến thăm ngoại giao.

Trong một "trật tự chính trị" mới đang được hình thành ở Trung Ðông, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia luôn thúc đẩy chính sách nhằm đóng vai trò hàng đầu, được cho là có rất ít sự lựa chọn ngoài việc phải cải thiện quan hệ với chính các nước trong khu vực để bảo đảm vị trí của mình. Bởi thế, quan hệ căng thẳng giữa nước này với Ai Cập đang tác động tiêu cực tới "bầu không khí" ngoại giao ở khu vực Trung Ðông vốn đang cần "hạ nhiệt".