Bên cạnh các công việc chính mang tính chuyên môn của hội nghị COP27, nhà chức trách Ai Cập đã và đang tăng cường các biện pháp an ninh ở thành phố Sharm El-Sheikh để đảm bảo an toàn và sự thành công cho hội nghị khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc.
Trung tâm Hội nghị quốc tế Sharm El-Sheikh đã được thiết lập thành Vùng Xanh, nơi được coi là lãnh thổ của Liên hợp quốc. Chỉ những người được các cơ quan của Liên hợp quốc cho phép mới được tiếp cận khu vực này.
Chính phủ Ai Cập cũng thiết lập một Khu vực Xanh bên trong Công viên Bách thảo Hòa bình, nơi sẽ diễn ra các sự kiện bên lề của các doanh nghiệp, thanh niên, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng bản địa, giới học thuật và nghệ sĩ.
Theo giới chức Ai Cập, mặc dù không có mối đe dọa cụ thể nào đối với hội nghị COP27, nhưng hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới thuộc khuôn khổ COP27, dự kiến diễn ra trong hai ngày 7-8/11, có thể là mục tiêu của các nhóm chiến binh.
Nhà chức trách Ai Cập đang tăng cường các biện pháp an ninh nghiêm ngặt bên trong và chung quanh địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các khu vực chung quanh, nhiều ngày trước khi sự kiện diễn ra.
Nhiều trạm kiểm soát và hàng rào an ninh đã được thiết lập dọc trên nhiều tuyến đường chính bên trong và chung quanh thành phố Sharm El-Sheikh, trong khi các biện pháp an ninh cũng được tăng cường tại Sân bay quốc tế Sharm El-Sheikh.
Dự kiến, hơn 35.000 đại biểu quốc tế, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới, sẽ tham dự sự kiện khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc. Khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin sự kiện này.
Phiên khai mạc và bế mạc COP27 sẽ lần lượt diễn ra trong các ngày 6/11 và 18/11. Do đó, các phiên họp trong các ngày từ 7-17/11 sẽ tập trung thảo luận về một loạt chủ đề liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới thuộc khuôn khổ COP27 sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/11 để thảo luận vấn đề an ninh lương thực và tiềm năng của lĩnh vực hydro xanh.
Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, cam kết của thế giới hướng tới mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang gặp nhiều trở ngại do các tình huống địa chính trị hiện nay.
Những thách thức khó khăn nhất mà COP27 đang phải đối mặt là các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh công bằng và việc thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu cho các quốc gia đang phát triển.