Ai Cập kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine

Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dựa trên đối thoại, và cảnh báo về các tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu với các nước Arab ở cấp độ chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Shoukry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: egyptindependent)
Ngoại trưởng Shoukry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: egyptindependent)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết trong cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev ngày 31/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, đang ở thăm Moskva, đã kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Người phát ngôn Abu Zeid cho biết Ngoại trưởng Shoukry đã được ông Patrushev thông báo tóm tắt về những diễn biến mới nhất liên quan xung đột Nga-Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột này đã tác động nghiêm trọng đến các thị trường toàn cầu, khiến các nước đang phát triển, trong đó có Ai Cập, bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Shoukry và ông Patrushev đã nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán song phương và trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Ai Cập-Nga vì lợi ích của hai nước, đồng thời ca ngợi quan hệ song phương là "nền tảng vững chắc" để tăng cường hợp tác thông qua việc thực hiện các dự án lớn tại Ai Cập, trong đó có nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa đầu tiên của Ai Cập tại tỉnh Marsa Matrouh cũng như các dự án trong Khu Kinh tế Kênh đào Suez.

Một nhóm liên lạc Arab đã được thành lập vào tháng 3/2022 để giải quyết tác động của khủng hoảng Ukraine với khu vực Arab. Tháng 4/2022, nhóm liên lạc Arab, gồm đại diện Ai Cập và các bên khác, đã tiến hành thương thảo với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moskva và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Warsaw (Ba Lan) nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dựa trên đối thoại, đồng thời cảnh báo về các tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với các nước Arab ở cấp độ chính trị, an ninh và kinh tế.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Shoukry đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ông Shoukry đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một khuôn khổ chính trị và ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine theo cách đáp ứng các lợi ích của tất cả các bên. Ông Shoukry khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Trong cuộc họp báo chung, cả ông Shoukry và ông Lavrov cho hay hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề khu vực khác nhau, bao gồm vấn đề Palestine và những diễn biến ở Libya và Syria. Hai ngoại trưởng nhất trí về sự cần thiết phải nối lại các hoạt động của nhóm Bộ Tứ, bao gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga, để làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế và xây dựng thể chế của Palestine nhằm chuẩn bị cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ông Shoukry cho biết quan hệ thương mại giữa Ai Cập và Nga rất đa dạng và cả hai nước đều nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để khai thác và phát triển mối quan hệ này, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Trao đổi thương mại giữa Ai Cập và Nga đã đạt 6 tỷ USD năm 2022, so với 4,7 tỷ USD năm 2021.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Moskva mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác mới và rộng lớn hơn với Cairo. Theo ông Lavrov, hai nước đã nhất trí hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghiệp, quân sự và kỹ thuật.