Ai Cập đối phó áp lực lạm phát

Ai Cập đã chứng kiến xu hướng tăng giá lương thực trong hai năm qua, với mức tăng lên tới 22% vào tháng 7 vừa qua. Là một trong những nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới, trong đó khoảng 80% nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, Ai Cập chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ hai nhà cung cấp này.
0:00 / 0:00
0:00
Giá hàng hóa ở Ai Cập tăng mạnh. (Ảnh DAILY NEWS EGYPT)
Giá hàng hóa ở Ai Cập tăng mạnh. (Ảnh DAILY NEWS EGYPT)

Chính phủ Ai Cập đã thành lập một ủy ban để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tích cực đưa ra các chính sách như mở rộng bảo trợ xã hội và thực hiện linh hoạt tỷ giá hối đoái nhằm đối phó các “cú sốc” từ bên ngoài.

Ai Cập đã nhập khẩu phần lớn ngũ cốc với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh từ Nga và Ukraine, vốn được vận chuyển qua Biển Đen. Tuy nhiên, sau sự gián đoạn nguồn cung từ hai nhà sản xuất lớn này, Ai Cập đã và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp lúa mì từ 14 thị trường thay thế, gồm các quốc gia ngoài châu Âu như Mỹ, Argentina, Canada và Paraguay.

Tổng cục Cung ứng hàng hóa Ai Cập (GASC), cơ quan chịu trách nhiệm thu mua ngũ cốc của nước này, gần đây thông báo mời thầu nhập khẩu lúa mì từ 5 quốc gia Mỹ, Canada, Australia, Argentina và Brazil. Hồi tháng 6, GASC cũng đã ký các hợp đồng mua 815.000 tấn lúa mì từ Pháp, Romania, Nga và Bulgaria cùng với 465.000 tấn lúa mì trong một đợt đấu thầu khác từ Nga, Bulgaria và Romania.

Bộ trưởng Cung ứng Ai Cập Ali Moselhi (A.Mô-xe-li) cho biết, quốc gia Bắc Phi cần nhập khẩu 5 triệu tấn lúa mì cho năm tài chính 2022-2023. Bên cạnh đó, Ai Cập đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng sản lượng trong nước với mục tiêu đạt 6 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa thu hoạch tháng 8 năm nay, tăng từ mức 3,5 triệu tấn của năm 2021. Chính phủ Ai Cập cũng phân bổ một lượng lớn lúa mì nhập khẩu để làm bánh mì, một mặt hàng được nhà nước trợ cấp và là loại thực phẩm chính trong chế độ ăn uống hằng ngày của người dân nước này.

Chính phủ Ai Cập đã lên các kịch bản để kiềm chế lạm phát như triển khai gói sáng kiến trị giá 130 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 7,2 tỷ USD) để ứng phó tác động từ làn sóng lạm phát toàn cầu, ban hành các chỉ thị để hạn chế tác động của lạm phát đối với đời sống của người dân. Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu hỗ trợ người dân vượt qua áp lực lạm phát hiện nay. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản vay 500 triệu USD để hỗ trợ mạng lưới bảo trợ xã hội và an ninh lương thực của Ai Cập sau những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong bối cảnh thách thức toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, Ai Cập đã chính thức đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ triển khai một chương trình kinh tế toàn diện giúp Ai Cập vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trưởng phái đoàn IMF tại Ai Cập, bà Celine Allard (X.An-lát) cho rằng, các biện pháp kinh tế vĩ mô và chính sách cấu trúc sẽ giúp giảm nhẹ tác động từ “cú sốc” này đối với nền kinh tế Ai Cập, bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời duy trì khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng trung hạn của quốc gia Bắc Phi.

Theo IMF, những động thái gần đây của Chính phủ Ai Cập nhằm mở rộng bảo trợ xã hội và thực hiện linh hoạt tỷ giá hối đoái là những bước đi đáng hoan nghênh. Tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ là điều cần thiết để ứng phó các “cú sốc” từ bên ngoài và bảo vệ nền tảng tài chính trong thời điểm bất ổn này. Bà Allard tiết lộ, IMF đang thảo luận với giới chức Ai Cập về một chương trình mới nhằm hỗ trợ các mục tiêu chung về ổn định kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và tăng trưởng bền vững trong trung hạn cho Ai Cập.

Người đứng đầu Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Ai Cập Fakhri El-Fiqi (Ph.En Phi-ki) cho biết, các cuộc đàm phán hiện nay giữa Chính phủ Ai Cập với IMF về khoản vay mới đang ở giai đoạn “bước ngoặt quan trọng”. Theo đó, nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, IMF sẽ chấp thuận khoản vay mới mở rộng trị giá 5-7 tỷ USD cho Ai Cập.

Ông El-Fiqi cho biết, Ai Cập và các chuyên gia IMF đang cố gắng đạt được sự hiểu biết về ba vấn đề quan trọng liên quan “tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, trợ cấp nói chung và trợ cấp nhiên liệu nói riêng”.

Theo ông El-Fiqi, IMF muốn Chính phủ Ai Cập triển khai một số quy trình trước khi đạt được thỏa thuận bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho phương thức tín dụng chứng từ và tự do hóa hơn nữa tỷ giá hối đoái nhằm giúp đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của các nhà nhập khẩu.

Ai Cập cần phải đạt “tiến bộ quyết định” về cải cách tài khóa và cơ cấu. Trong báo cáo đánh giá mới công bố vào ngày 27/7 vừa qua, ban điều hành IMF cho biết “Ai Cập cần một sự thay đổi tỷ giá hối đoái lớn hơn”.