Là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong đó khoảng 80% nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, Ai Cập chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả leo thang và gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực. Quốc gia Bắc Phi này đã thành lập một ủy ban để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, tương tự như ủy ban được thành lập để đối phó đại dịch Covid-19 hồi năm 2020. Chính phủ Ai Cập cũng đã ban hành các chỉ thị để hạn chế tác động của lạm phát đối với đời sống của người dân.
Lạm phát leo thang đã làm giảm mạnh giá trị đồng bảng Ai Cập so với đồng USD. Tháng 2 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Ai Cập đã tăng lên mức 10%, cao kỷ lục trong gần ba năm qua, do giá lương thực tăng 20%. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, nếu giá lương thực tăng 30%, tỷ lệ nghèo đói của Ai Cập có thể tăng 12%, đồng nghĩa một phần ba dân số 103 triệu người của nước này có thể phải sống trong cảnh nghèo túng.
Là quốc gia vốn có nguồn thu quan trọng từ du lịch, Ai Cập đang tìm kiếm những cách thức mới nhằm thu hút khách du lịch, sau khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến ngành công nghiệp không khói của đất nước Kim tự tháp mất đi hai thị trường lớn nhất. Du lịch mang lại cho Ai Cập 2,8 tỷ USD trong quý III năm 2021.
Bộ Du lịch Ai Cập cho biết, nước này đang tìm hiểu khả năng đưa du khách Nga trở lại thông qua các nước thứ ba, nếu các lệnh trừng phạt cho phép. Ai Cập cũng đang tìm cách tăng thu hút khách du lịch từ các nước Tây Âu, bao gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italia, cũng như Hungary và các nước Arab vùng Vịnh.
Để đối phó thách thức do giá lương thực tăng cao, Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu hỗ trợ người dân vượt qua áp lực lạm phát hiện nay và khẳng định quốc gia Bắc Phi này có đủ dự trữ lúa mì cho đến cuối năm 2022. Ai Cập đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc từ 14 thị trường thay thế, gồm các quốc gia ngoài châu Âu như Mỹ, Argentina, Canada và Paraguay, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước. Chính phủ Ai Cập cho biết sẽ cung ứng cho thị trường tất cả hàng hóa cần thiết, đồng thời cảnh báo các thương gia không tích trữ hàng hóa.
Trưởng phái đoàn IMF tại Ai Cập cho biết, môi trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và những tác động liên quan từ cuộc xung đột ở Ukraine đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Ai Cập. Các biện pháp kinh tế vĩ mô và chính sách cấu trúc sẽ giúp giảm nhẹ tác động từ cú sốc này đối với nền kinh tế Ai Cập, bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời duy trì khả năng phục hồi và triển vọng tăng trưởng trung hạn của quốc gia Bắc Phi.
Theo IMF, những động thái gần đây của Chính phủ Ai Cập nhằm mở rộng bảo trợ xã hội và thực hiện linh hoạt tỷ giá hối đoái là những bước đi đáng hoan nghênh. Việc tiếp tục thực hiện linh hoạt tỷ giá hối đoái sẽ là điều cần thiết để ứng phó các “cú sốc” từ bên ngoài và bảo vệ nền tảng tài chính trong thời điểm hiện nay. Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thực trong tài khóa 2022-2023, bắt đầu từ tháng 7/2022, từ mức 5,7% xuống 5,5% do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra cú sốc nghiêm trọng đối với các thị trường toàn cầu và tác động tiêu cực tới thương mại, đầu tư và tỷ lệ lạm phát, Chính phủ Ai Cập đang lên các kịch bản để kiềm chế lạm phát leo thang, như triển khai gói sáng kiến trị giá 130 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 7,2 tỷ USD) để ứng phó tác động từ làn sóng lạm phát toàn cầu.